Y tế - Sức khỏe
Lại “nóng” ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp
N. Dương - 14/09/2022 20:11
Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu chứa methanol gần đây là hồi chuông cảnh báo việc quản lý của cơ quan nhà nước cần được tăng cường.

Hồi chuông báo động

Chỉ trong tuần qua, trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận 13 trường hợp bị ngộ độc sau khi uống rượu pha chế từ cồn công nghiệp methanol. Đã có 2 trường hợp ngộ độc nặng tử vong, 1 trường hợp đang nguy kịch. Những bệnh nhân còn lại đang được bác sĩ theo dõi, điều trị để ngăn chặn các di chứng thần kinh, mù lòa có thể xảy ra.

Vào tháng trước, tại Cà Mau, 3 người phụ nữ đã tử vong sau 2 ngày uống rượu liên tiếp, nghi ngờ do ngộ độc methanol. Từ những vụ ngộ độc rượu gần đây, cần đặt ra vấn đề về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý sản xuất, sử dụng rượu, bia.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, tính chất của các vụ việc ngộ độc rượu thời gian qua rất nghiêm trọng, trong đó có thể thấy rõ là người dân vẫn chưa ý thức cũng như chưa lường hết được sự nguy hiểm khi sử dụng rượu, nhất là rượu không bảo đảm chất lượng, không có nguồn gốc.

Ngoài ra, hiện nay có một kẽ hở lớn khiến rượu pha cồn công nghiệp vẫn len lỏi trong đời sống, đó là thông qua các tiệm tạp hóa. Rượu bán ở đây hầu hết không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, đựng trong các can nhựa bán theo lít, theo chai không thể kiểm soát.

Theo ý kiến của bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cơ sở vẫn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol nặng. Số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol đang tăng lên, chủ yếu do sử dụng các loại rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol bán trôi nổi trên thị trường.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đây là vấn đề quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp methanol. "Do công tác quản lý chưa chặt chẽ, các hóa chất này tuồn vào tay kẻ xấu, được đóng chai thành các loại rượu trôi nổi để người dân uống", TS. Nguyên nói.

Ở các nước phát triển vấn đề quản lý cồn công nghiệp methanol rất rõ ràng, chặt chẽ. Tất cả các sản phẩm này người bình thường không thể tiếp cận được vì sản phẩm đóng chai lọ có chất chỉ thị màu và hướng dẫn sử dụng rõ ràng.

Tự bảo vệ sức khỏe bản thân

Những năm qua đã ghi nhận rất nhiều vụ ngộ độc rượu. Có nạn nhân tử vong, có nạn nhân thoát khỏi tử thần, nhưng để lại nhiều di chứng. Lo ngại nhất hiện nay là tình trạng rượu bán ra dưới danh nghĩa rượu nấu tại nhà, song rất khó xác định có pha trộn cồn công nghiệp hay không.

Liên quan chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, hiện nay, chỉ có thể xử phạt đối với các sản phẩm không xuất xứ, nguồn gốc. Rượu cũng là một loại thực phẩm, luật có quy định xử phạt với thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với mức gấp 1 - 2 lần tổng giá trị của sản phẩm. Nhưng rượu không có nguồn gốc, xuất xứ rất rẻ, chỉ vài chục ngàn một lít, nên mức xử phạt này không có tính răn đe.

Một số ý kiến cho rằng, để làm tốt công tác phòng, chống ngộ độc rượu, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh hơn nữa để người dân hiểu sâu sắc về những tác hại của việc lạm dụng rượu cũng như việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.

Bác sĩ Hoàng Thị Thúy (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho rằng, để phòng chống ngộ độc rượu, người dân tuyệt đối không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; không sử dụng các loại rượu được pha từ nhiều loại rượu khác nhau. Ngoài ra, người dân không được sử dụng các loại rượu có chứa cồn công nghiệp; không uống rượu khi bụng đói hoặc khi có các dấu hiệu mệt mỏi. Khi có biểu hiện ngộ độc rượu, cần tìm ngay đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.

Còn bác sĩ Nguyên thì khuyên người dân không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng rượu, cần nhanh chóng đến cơ sở ý tế gần nhất để xử lý.

Do nhiều lý do, tình trạng lạm dụng rượu bia vẫn xảy ra phổ biến ở khắp nơi. Nguy hiểm ở chỗ, vị giác và khứu giác con người không thể phân biệt được đâu là rượu ethanol và đâu là rượu chứa độc chất methanol. Cách duy nhất để phân biệt là thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Do đó, việc các cơ quan chức năng liên tục thực hiện kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất rượu; xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu kém chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu bia cũng như khuyến cáo người dùng trong việc mua và sử dụng rượu… là những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc rượu.

Tin liên quan
Tin khác