Những người bị ngộ độc rượu trước đó đều uống rượu tại nhà nên Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã đề nghị các địa phương có ca ngộ độc rượu cùng phối hợp, điều tra.
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol được điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Ảnh: B.KHANG |
Theo bác sĩ Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chỉ trong tuần đầu tháng 10, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 9 ca ngộ độc rượu, 3 ca xin về vì tiên lượng nặng. Chỉ tính riêng ngày 7/10, có 4 ca nhập viện vì ngộ độc methanol, chủ yếu ở huyện Bình Chánh.
Trong số này, có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê, khó thở, tím tái, suy hô hấp, rối loạn cân bằng nước, điện giải, nhìn mờ, suy gan, suy thận, tăng đường huyết, phải hồi sức tích cực.
Còn đại diện Bệnh viện Thống Nhất cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng qua, Bệnh viện tiếp nhận dồn dập 12 bệnh nhân bị ngộ độc methanol nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương tim mạch, giãn huyết áp. 6 bệnh nhân trong số đó đã tử vong, đa số đều là lao động nghèo.
Để xảy ra tình trạng nhiều ca ngộ độc rượu methanol thời gian qua, các chuyên gia đều cho rằng đó là do cồn công nghiệp methanol vẫn đang trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng mà chưa được kiểm soát tốt. Trong khi đó, người dân rất khó để biết ngộ độc methanol.
Theo ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không.
Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ có một điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường.
Ngoài ra, theo bà Nga, ngành Y tế cũng đưa ra các khuyến cáo về việc sử dụng rượu bia cho người dân như không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày;
Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia…
Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị các cơ quan chức năng cần có những phương án quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đang báo động như hiện nay.
Ngộ độc methanol nếu được điều trị kịp thời thì sẽ rất đơn giản, các bác sỹ chỉ cần lọc máu, sử dụng thuốc giải độc là có thể chữa khỏi, thậm chí còn không để lại tổn thương gì trên cơ thể bệnh nhân.
Tuy nhiên ở nước ta do hầu hết bệnh nhân không biết bản thân bị ngộ độc methanol nên đến viện khi đã muộn. Chính vì không được điều trị kịp thời, nên tỷ lệ tử vong của các ca bệnh này là rất cao.