Đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng, thanh toán của khách hàng, số lượng thẻ tín dụng tại Việt Nam ngày càng tăng. Tuy vậy, tại Việt Nam, thẻ tín dụng quốc tế vẫn chiếm vị thế áp đảo, thẻ tín dụng nội địa vẫn còn khiêm tốn.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, năm 2023, doanh số thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng hơn 234% so cùng kỳ, song mới chiếm 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam cho hay, thường số loại thẻ tín dụng nội địa phát hành tại các ngân hàng thương mại chỉ chiếm 1/6 đến 1/10 so với số loại thẻ tín dụng quốc tế được phát hành. Phí và lãi suất không phải là rào cản với thẻ tín dụng nội địa, vì giá và phí của thẻ tín dụng nội địa ít và thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trung bình mỗi năm MasterCard và Visa thu từ một ngân hàng Việt Nam khoảng 270 loại phí, trong khi số loại phí của thẻ tín dụng nội địa thấp hơn nhiều.
Ngoài ra, phí duy trì thường niên của thẻ tín dụng quốc tế giao động từ 299.000 đồng đến 2 triệu đồng cho nhóm thẻ phổ thông, và có thể lên tới hàng chục triệu đồng cho nhóm thẻ ưu tiên. Trong khi đó, phí thường niên của thẻ tín dụng nội địa thường dao động từ 150.000 - 300.000 đồng cho các hạng thẻ khác nhau.
Các chi phí để sử dụng dịch vụ, sản phẩm của thẻ tín dụng nội địa cũng ít hơn so với thẻ tín dụng quốc tế. Phí tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng quốc tế giao động từ 2% đến 4% trên số tiền vượt hạn mức, thì đối với thẻ tín dụng nội địa, phí này chỉ rơi vào khoảng 0,075%. Phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng nội địa là 1%, so với mức trung bình của thẻ tín dụng quốc tế là 3%.
Theo ông Đức, nguyên nhân chính khiến thẻ tín dụng nội địa chưa hấp dẫn là yếu tố về tâm lý người tiêu dùng, yếu tố chi phí cơ hội, chi phí tài chính...
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 3/2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904.700 thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%).
Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10.000 tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đánh giá dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn thấp, nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận về phát triển thẻ tín dụng nội địa trong năm vừa qua.
“Hiện nay, có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa. Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Tấn Pháp, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại thị trường Việt Nam chưa khả quan do vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.
Thứ nhất, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần tham gia phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất hạn chế, việc truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh. Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế.
Thứ hai, khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ Tổ chức Thẻ quốc tế.
Thứ ba, do thói quen người tiêu dùng, họ có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến và số đông.
Ông Nguyễn Tấn Pháp cho rằng, để thẻ tín dụng nội địa phát triển mạnh hơn, NAPAS cần có cơ chế ưu đãi về phí xử lý giao dịch, phí chia sẻ giữa các Ngân hàng và tổ chức chuyển mạch.
Đồng thời, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp tiếp tục chung tay mở rộng hệ sinh thái sử dụng thẻ cho khách hàng như thanh toán giao thông, thanh toán hóa đơn định kỳ,… kèm những ưu đãi hấp dẫn từ các đối tác nhằm thu hút hơn nữa sử dụng thẻ để thanh toán.