Lãi suất tiết kiệm giảm nhẹ sau chỉ đạo "rắn" của Ngân hàng Nhà nước
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm được nhiều ngân hàng đưa về tối đa 9,5%/năm như cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, từ đó tạo điều kiện giảm lãi vay sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Sau giai đoạn liên tục tăng nóng, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã chững lại và hạ nhiệt trong những ngày gần đây. Ngày 21/12, BaoViet Bank đưa lãi suất tiền gửi tại quầy về mức cao nhất còn 9,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng so với mức lãi suất cao nhất lên tới 10,2-10,3%/năm áp dụng trước đó.
Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi online đối với khách hàng cá nhân cao nhất là của nhà băng này vẫn duy trì mức 9,75-9,8%/năm kỳ hạn 11-13 tháng khi gửi tiết kiệm trên ứng dụng Baoviet Pay.
Từ ngày 20/12, Saigonbank áp dụng biểu lãi suất huy động mới giảm mạnh khoảng 0,4 - 1 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó lãi suất cao nhất tại ngân hàng này giảm từ 10,5% xuống 9,5%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm 0,4 điểm % xuống 9,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 9,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,4 điểm % xuống 9,4%/năm.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 19/12, Ngân hàng số Cake by VPBank cũng giảm huy động tối đa về mức 9,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, từ mức 9,7%/năm hồi đầu tháng. OceanBank mới đây đã hạ lãi suất huy động cao nhất đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 10%/năm về 9,2%/năm.
Hay MSB cũng điều chỉnh giảm 0,4 điểm % lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Ở kỳ hạn từ 13 - 36 tháng, mức lãi suất tiết kiệm giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm.
VPBank đã giảm lãi suất tại sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings. Cụ thể, trước đó ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 11%/năm tại sản phẩm này trong tháng đầu tiên ở kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, tuy nhiên hiện tại lãi suất cao nhất của sản phẩm này giảm xuống chỉ còn 9,25%/năm.
Trong khi đó, tại PVComBank, mức lãi suất cao nhất giảm từ 9,9%/năm xuống còn 9,7%/năm cho hình thức tiết kiệm online, kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.
Trước đó (ngày 15/12) Ngân hàng Nhà nước có văn bản 8728/NHNN yêu cầu ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho Ngân hàng Nhà nước. Mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.
Cùng với đó là lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS, Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO), ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh này.
Giải pháp này kỳ vọng làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – TP.HCM cho rằng, việc các ngân hàng đồng thuận giữ mức lãi suất tiền gửi tối đa không quá 9,5%/năm, cũng như đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng là những giải pháp hỗ trợ thiết thực và nhìn ở góc độ thực thi cơ chế chính sách, thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng.
Theo ông Lệnh, hành động này của các ngân hàng thương mại, thông qua vai trò Hiệp hội Ngân hàng đã thể hiện rõ nét trách nhiệm của ngành. Trách nhiệm đó, khi được hành động với sự đồng thuận, thống nhất cao từ các thành viên Hiệp hội sẽ mang lại những hiệu quả có ý nghĩa rất lớn.
Bởi việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương trong thời gian qua là cần thiết, để kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp xu hướng và diễn biến của thị trường tiền tệ thế giới. Song lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế, của doanh nghiệp.
Trong điều kiện đó, việc sử dụng các giải pháp hành chính: cải cách hành chính, giảm chi phí giao dịch, thời gian giao dịch cho khách hàng và đặc biệt đồng thuận giảm lãi suất hoặc không tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và góp phần quan trọng trong hỗ trợ chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương.
Thứ hai, trách nhiệm thực hiện chương trình phục hồi kinh tế của ngành Ngân hàng và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển được thực thi bằng hành động cụ thể, không chỉ bằng cơ chế chính sách, bằng thực hiện các giải pháp tiền tệ tín dụng mà còn bằng ý chí, tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng trong quan hệ truyền thống: ngân hàng - khách hàng và nền kinh tế.
Theo đó, sự đồng thuận trong việc giữ ổn định lãi suất hoặc không tăng lãi suất, cũng như điều chỉnh giảm lãi suất của một số ngân hàng thương mại sẽ củng cố và gắn kết hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng.
"Sự gắn kết này sẽ mang lại giá trị to lớn cho sự phát triển của chính các ngân hàng thương mại, bởi khi doanh nghiệp được hỗ trợ, được chia sẻ, sẽ phục hồi và tăng trưởng, điều này có tác động tích cực đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, mở rộng các hoạt động dịch vụ ngân hàng", ông Lệnh nói.
Thế nhưng, sau một thời gian đua lãi suất, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn chưa thực sự hạ nhiệt, nhất là khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng thêm 0,5% lãi suất trong ngày 14/12 và Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết, đến năm 2024 mới bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Vì thế, vẫn có phản ánh về tình trạng ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp hơn lãi suất huy động thực tế. Đáng chú ý, ở một số nhà băng còn thỏa thuận "ngầm" cộng thêm biên độ lãi suất cho các khoản tiền gửi lớn để thu hút vốn nhàn rỗi.
Lãi suất cho vay giảm ra sao dịp cận Tết?
Tuy nhiều thách thức, ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm nhanh chóng đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn cận Tết.
Theo nhiều chuyên gia, tình hình kinh tế trong nước sẽ còn nhiều chuyển biến khó lường, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Chính phủ và NHNN đã đưa ra nhiều biện pháp, chính sách phát huy hiệu quả, đặc biệt trong điều hành tiền tệ, lãi suất… nhằm đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
NHNN mới đây vừa tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống, tương đương 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Quyết định này nhằm mục đích mở rộng tín dụng song song với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Đồng thời, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần quan tâm và tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Các ngân hàng thương mại cần coi việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là trách nhiệm; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất để có thể giảm lãi suất.
Thêm vào đó, ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng hội viên để bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tại đây, NHNN đã quán triệt, chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng căn cứ quy mô, tiềm lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thực hiện kịp thời các chủ trương của NHNN, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thực tế, việc các ngân hàng thường xuyên thông báo giảm lãi suất cho vay, là động thái cần thiết và kịp thời trước các tác động của đại dịch Covid và nguy cơ suy thoái kinh tế.
Với hàng loạt chính sách vĩ mô, việc điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với từng thời kỳ là một trong những hoạt động kịp thời của các ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng khách hàng phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là dịp cận Tết, góp phần tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Lãnh đạo Nam A Bank cho biết: “Bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng còn triển khai nhiều gói giải pháp nhằm mang đến các giải pháp tài chính linh hoạt cho khách hàng. Trước bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, Nam A Bank cam kết sẽ tiếp tục chủ động, tiên phong đồng hành cùng Chính phủ, NHNN và khách hàng vượt qua khó khăn”.
Trong khi đó, theo đại diện OCB, trong giai đoạn vừa qua, chứng kiến sự trầm lắng của thị trường bất động sản, ngay sau khi NHNN nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương ứng có khoảng 350.000 - 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng được đẩy ra thị trường trong 3 tuần cuối năm thì hầu hết các chuyên gia đều đánh giá việc nới room tín dụng sẽ có ý nghĩa tích cực tới thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở, sắp bàn giao đến khách hàng.
Do đó, việc ban hành quyết định giảm lãi suất, đặc biệt là vay mua bất động sản ở thời điểm này của OCB cũng được kỳ vọng như một trong những “nút gỡ” thực tế giúp cho các khách hàng có nhu cầu mua nhà, đất thực hiện được kế hoạch của mình, từ đó thị trường bất động sản cũng sẽ “ấm” lên trong giai đoạn cuối năm.
Tại Nam A Bank vừa triển khai giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2,5%/năm nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh dịp Tết. Đây cũng là một trong những hoạt động kịp thời của Ngân hàng nhằm đồng hành cùng NNNH thực hiện các chủ trương trên.
Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân, một số gói sản phẩm cho vay trung và dài hạn, Nam A Bank giảm từ 1,8 - 2,7%/năm. Trong khi đó đối với khoản vay ngắn hạn ở kỳ đầu tiên, Ngân hàng sẽ giảm lãi 1,5%/năm.
Để liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giúp khách hàng ổn định cuộc sống, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Nam A Bank đã chú trọng đầu tư và phát triển công nghệ hiện đại, từ quản trị điều hành đến sản phẩm dịch vụ nhằm tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành xanh, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Từ tháng 12/2022 đến hết 31/3/2023, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động, trồng trọt, chăn nuôi, sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi ở mức 8,99%/năm. Riêng đối với khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, đất đã có giấy chứng nhận, OCB hỗ trợ với lãi suất ưu đãi 11,99%/năm. Tổng gói tín dụng dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, ACB giảm 1%/năm cho lãi vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, với hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng. Tương tự, HDBank dành 120 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay VND cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh.
ABBank ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 5,5%/năm, dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. SHB cũng cho biết, đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên.
Tại Ngân hàng Shinhan, với gói vay VND, kể từ nay đến ngày 31/12/2022 được giảm từ 0,9%- 1,3%/năm. Nếu vay bằng ngoại tệ, giảm 0,6%/năm lãi suất cho vay cho kỳ hạn từ 1 - 6 tháng. VIB giảm lãi suất đến 1,5%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn cho khách hàng vay kinh doanh khi duy trì nguồn tiền trong tài khoản thanh toán.
Đối với khối ngân hàng có vốn nhà nước, VietinBank giảm thêm 2% lãi suất cho vay doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm tiếp sức, đồng hành cùng doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn phục hồi nước rút.
Mức ưu đãi lãi suất áp dụng cho cả khoản vay bằng VND và USD kỳ hạn đến 6 tháng phát sinh mới từ nay đến hết ngày 28/02/2023.
Theo lãnh đạo VietinBank, trong thời gian tới, Ngân hàng cam kết sẽ tập trung nguồn lực đảm bảo nguồn vốn dồi dào để các khách hàng doanh nghiệp được tiếp cận và hưởng nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó giúp giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phục hồi nền kinh tế.
Agribank cũng giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cuối năm 2022. Trong khi đó, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12/2022.
Trong khi đó, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12/2022.
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ", ông Tú nhấn mạnh và cho biết thêm, giảm lãi suất không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng lỗ, suy yếu về mặt năng lực tài chính và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung.
Vì thế, để giảm để giảm được lãi suất cho vay, sau lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động về mức tối đa 9,5%/năm.
HoREA kiến nghị nới "chuẩn" tín dụng cho vay mua nhà
HoREA vừa có công văn 127/2022/CV- HoREA kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và NHNN việc đề nghị NHNN xem xét khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để giúp cho doanh nghiệp, người mua nhà được vay vốn.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) hoan nghênh ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 5/12 đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng cộng với khoảng 200.000 tỷ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịc HoREA cho rằng, đến nay chỉ còn 9 ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay vốn ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng.
Hiện do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng nên các ngân hàng thương mại “không dám” cho vay đối với một số trường hợp.
Cụ thể, doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới, mặc dù, có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận, do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán nên không đạt chuẩn tín dụng.
Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp, do doanh nghiệp đã hết tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, trường hợp này cũng không được ngân hàng thương mại chấp thuận, do ngân hàng không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu nên không đạt “chuẩn” tín dụng.
Nhưng HoREA nhận thấy, trong tình thế “bất thường” cần ban hành các giải pháp “bất thường” để xử lý kịp thời, hiệu quả và đối với thị trường bất động sản đang rất khó khăn hiện nay.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét không nên giữ nguyên “chuẩn” tín dụng trong tình thế “bất thường” hiện nay mà nên nới “chuẩn” tín dụng một chút nhưng vẫn không phải là hạ thấp chuẩn tín dụng so với chuẩn tín dụng bình thường trước đây.
Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng nhau vượt qua khó khăn.
Bởi theo HoREA, nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp thì đây là nguồn vốn vay quý giá.
Nguồn vốn này có tính chất là “vốn mồi” để doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và các khoản vay cũ. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn.
Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn cho người vay mua nhà và cả doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch HoREA ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, hiện nay hầu như không có căn hộ nhà ở xã hội trên thị trường, trong khi nhiều chủ đầu tư Dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu trên dưới 50% dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án khoảng 2 tỷ đồng/căn, nhưng người mua nhà ở thương mại chưa vay được tín dụng với lãi suất hợp lý.
Nguyên nhân là do Nghị định 31/2022/NĐ-CP chỉ hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện.
Tuy nhiên, vẫn chưa có chính sách hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất tín dụng hoặc vay với lãi suất thương mại hợp lý cho người mua nhà ở thương mại có mức giá khoảng dưới 1,8 - 2 tỷ đồng/căn.
Thêm vào đó, do gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, nhưng đến hết tháng 10/2022 mới chỉ giải ngân được khoảng 21.000 tỷ đồng chỉ đạt 52,5%, có khả năng “bị ế” mà nếu không sử dụng hết thì lãng phí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Vì thế, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định một số chính sách ngắn hạn áp dụng đến hết năm 2023 để hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp và người mua nhà.
Đồng thời, HoREA đề nghị cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay.
Ngoài ra, HoREA còn kiến nghị cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp được trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay.
HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 (hoặc 2) tỷ đồng/căn được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay tín dụng (hoặc với lãi suất hợp lý do Ngân hàng Nhà nước quy định) tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
Năm 2022 lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ước đạt 6,8 tỷ USD
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, năm 2022 lượng kiều hối chuyển về ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD, giảm khoảng 0,3 tỷ USD so với năm 2021.
Song theo ông Lệnh, đặt trong bối cảnh kinh tế của một số quốc gia và khu vực trên thế giới gặp nhiều khó khăn, do lạm phát, do đồng tiền mất giá, suy giảm kinh tế, thu nhập của người dân, người lao động tại các quốc gia này bị ảnh hưởng, thì việc kiều hối chuyển về trong năm 2022 đạt mức này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và thành phố nói riêng.
Báo cáo về Di trú và Phát triển do ngân hàng thế Giới (World Bank –WB) và KNOMAD thực hiện đưa ra dự báo, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm vừa qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước.
Cụ thể, tổng lượng kiều hối về Việt Nam dự báo có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của kinh tế và lạm phát toàn cầu tăng cao trong năm 2022 nên lượng kiều hối được dự báo đổ về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình năm nay sẽ tăng 5% so với năm ngoái lên 626 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,2% ghi nhận trong năm 2021.
Với bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, của người lao động ở nước ngoài chuyển về có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn lực bổ sung, hỗ trợ không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn đối với hiệu quả chính sách, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (NHTW).
Nếu xem đây là nguồn vốn cho phát triển kinh tế xã hội, thì kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác, đó là: không phải hoàn trả; không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Đồng thời đây là nguồn thu bằng ngoại tệ, vì vậy giá trị mang lại từ nguồn kiều hối là rất lớn, trở thành “nguồn lực vàng” cần được tiếp tục khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả từ nguồn lực này.
Cũng theo ông Lệnh, nguồn kiều hối là nguồn thu ngoại tệ từ kiều bào, từ người lao động gửi về, vì vậy trước hết phục vụ cho nhu cầu của người nhận kiều hối, có thể là tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân hay xây dựng, sửa sang nhà cửa hay mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống... Tất cả, đều mang lại ý nghĩa cho sự tăng trưởng và phát triển trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.
Với ý nghĩa này, nếu so với nguồn thu ngân sách TP.HCM (dự ước năm 2022 đạt trên 434 nghìn tỷ đồng), nguồn kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 6,8 tỷ USD là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu ứng tích cực. Và nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay trên địa bàn thì nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 chiếm 48%. Đây cũng là con số ý nghĩa và là nguồn vốn không nhỏ.
Nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 là nguồn thu ngoại tệ, do vậy góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Trung ương, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá; tăng lãi suất là không nhỏ, khi áp lực lạm phát gia tăng và các đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022.
Theo số liệu dự ước, kiều hối chuyển về TP. HCM năm 2022 mặc dù giảm so với năm 2021 song theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước -TP.HCM, trong điều kiện thu nhập của người dân, của kiều bào cũng như của người lao động ở nước ngoài bị giảm sút, như phân tích ở phần trên, đây vẫn là nguồn lực quan trọng, nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Vì thế, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này, cũng như tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách và chủ trương đối với kiều bào, đối với chính sách ngoại hối, hoạt động chi trả ngoại tệ…
Áp lực cân đối nguồn vốn đè nặng ngân hàng
Áp lực cân đối vốn đối với các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trong trung hạn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm.
Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%. Như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm sẽ có khoảng 3,8%. Đây là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cấp vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, hạn mức tăng thêm này được ví như dòng nước giải tỏa cơn hạn hán. Thế nhưng, khả năng hấp thụ cũng là thách thức, vì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận.
Trong khi đó, ngân hàng phải kiểm soát chặt đường đi của dòng vốn trong bối cảnh room tín dụng hạn chế và rủi ro nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, thời điểm này, các doanh nghiệp cũng cần rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên thu hẹp, cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư. Phía ngân hàng cũng phải rà soát, đánh giá khả năng cho vay để đảm bảo an toàn, an ninh tiền tệ của cả hệ thống.
Công ty Chứng khoán SSI nhận định, việc nới hạn mức tín dụng trong năm 2022 sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, song vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới không.
Áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm. Tăng trưởng tín dụng đến nay đã trên 12%, trong khi tăng trưởng huy động vốn chưa tới 5%. Chênh lệch huy động vốn - tín dụng chưa có nhiều cải thiện, nên việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.
Chênh lệch tín dụng và huy động âm cộng với nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi chưa có dấu hiệu dừng. Cuộc chạy đua lãi suất huy động thời gian qua cũng đã cho thấy sự căng thẳng khi các ngân hàng phải tăng cường bù đắp nguồn vốn cho phần cho vay ra trong 9 tháng đầu năm cũng như áp lực thanh khoản cuối năm.
Thực tế từ báo cáo của ngân hàng, chênh lệch huy động vốn và tín dụng đã xuống mức âm kể từ tháng 7/2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng vốn huy động khiến tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động (LDR) tại các ngân hàng tăng cao.
SSI cũng cho biết, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều. Tỷ lệ LDR thuần tại nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 100% như MSB, Techcombank, VIB hay VPBank. Trong khi đó, có 6 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng huy động vượt 85% là BIDV, VietinBank, MB, Techcombank, VPBank và Saigonbank.
TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong ngành ngân hàng hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn trên 80% và 20% còn lại là vốn tự có và các nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, ngành ngân hàng đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nền kinh tế là vốn trung và dài hạn. Điều này dẫn đến 2 rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng, đó là rủi ro về thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền. Nếu dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh sẽ không có tiền trả nợ đến hạn 6 tháng cho người gửi tiền. Đây là rủi ro lớn nhất mà ngành ngân hàng quan ngại.
Một rủi ro nữa theo TS. Quang là rủi ro lãi suất. Hiện lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi lãi suất cho vay trung, dài hạn thường một năm mới điều chỉnh. Vì thế, trong quá trình kinh doanh, ngân hàng đối mặt rất nhiều rủi ro lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao, môi trường lãi suất có biến động lớn như hiện nay.
Việc nới room tín dụng toàn hệ thống đã phần nào giảm bớt sức nóng từ thị trường lãi suất. Nhưng chính sự gia tăng của tỷ lệ LDR trong thời gian qua cũng cho thấy, các ngân hàng đang đứng trước bài toán về cân đối nguồn vốn.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% bị “ế”: Nên điều chuyển sang gói hỗ trợ khác?
Doanh nghiệp khát vốn, trong khi gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân rất chậm. Mặc dù Chính phủ đang yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp đánh giá, sửa đổi để thúc đẩy giải ngân, song nhiều chuyên gia cho rằng, nên điều chỉnh vốn của gói này sang chương trình khác để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
Báo cáo của ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2022, tức sau hơn nửa năm thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách (hơn 40.000 tỷ đồng năm 2022 và 2023), các ngân hàng thương mại mới giải ngân được dư nợ gần 21.000 tỷ đồng, số tiền thực hiện hỗ trợ lãi suất gần 45 tỷ đồng. Trước đó, ngành ngân hàng dự kiến dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay chỉ riêng trong năm 2022, với số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỷ đồng.
Như vậy, sau nửa năm triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP, gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân hầu như không đáng kể. Cảnh “cá treo, mèo nhịn đói” khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, cần xem lại việc thiết kế của gói chính sách hỗ trợ này.
“Chúng ta cần phải xem lại gói hỗ trợ lãi suất 2% thiết kế chính sách đã hợp lý và phù hợp chưa. Thực tế là giữa doanh nghiệp và gói hỗ trợ này có sự lệch pha, không đến được với nhau”, ông Kỳ nhận xét.
Theo giải thích của ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), điều kiện tiên quyết của Nghị định 31/2022/NĐ-CP là để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy vậy, tiêu chí xác định “khả năng phục hồi” lại chưa được quy định, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lúng túng khi triển khai. Thêm vào đó, khách hàng còn có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên cũng không mấy hào hứng.
Trước đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thanh minh không phải ngân hàng “làm khó” giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà là do quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP khá khắt khe, đối tượng hỗ trợ lãi suất theo Nghị định khá hẹp và nhiều quy định chưa rõ, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề khó chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp thừa nhận, mặc dù nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%, song doanh nghiệp này vẫn không nộp đơn xin hỗ trợ với lý do là sợ khâu “hậu kiểm” sau khi được hỗ trợ, chưa kể thủ tục để được hỗ trợ cũng khá rườm rà.
Trong Nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 vừa được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ký ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp thích hợp.
Chính phủ đề nghị, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.
Theo các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% sử dụng ngân sách, nên sự chặt chẽ, thận trọng về mặt quy định là dễ hiểu. Tuy vậy, sự thiếu linh hoạt sẽ khiến gói hỗ trợ này khó giải ngân. Việc sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP dự kiến cũng mất nhiều thời gian và chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên điều chuyển nguồn sang gói hỗ trợ khác.
Ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ nên trình Quốc hội chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, không chỉ gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà nhiều gói giải ngân của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (350.000 tỷ đồng) cũng giải ngân chậm. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình mới đạt hơn 71.500 tỷ đồng.
Để nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhanh chóng tiếp sức doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp - bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất 2% - sang các gói hỗ trợ khác khả thi hơn.
Đã đến lúc hy sinh tỷ giá để cứu lãi suất?
Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không có đợt tăng lãi suất điều hành nào nữa cho năm 2023. Cuộc đua lãi suất huy động cũng hạ nhiệt bớt.
Tuy vậy, sóng ngầm lãi suất có diễn ra hay không còn tùy thuộc vào niềm tin giữa các ngân hàng cũng như sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất huy động thỏa thuận vọt lên 13%/năm, lãi suất cho vay có ngân hàng đẩy lên tới 16%/năm, khiến doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Trước tình hình này, ngân hàng Nhà nước thúc giục các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các hội viên đồng thuận đưa lãi suất tiết kiệm về tối đa 9,5%/năm để ngành ngân hàng có điều kiện giảm lãi vay cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, thanh khoản tổng thể toàn hệ thống không thiếu, song có thời điểm, tình trạng thiếu thanh khoản nhất thời đã xảy ra tại một số ngân hàng nhỏ. Sau sự cố SCB, nhiều người dân rút tiền từ ngân hàng nhỏ chuyển sang ngân hàng lớn.
Mặc dù thanh khoản chung của toàn hệ thống không thiếu, song lượng dự trữ thanh khoản không nhiều. Room tín dụng năm 2023 sắp được cấp càng khiến hệ thống ngân hàng cần nhiều nguồn vốn dự trữ hơn.
Ông Nguyễn Thiên Hoàng, Phó tổng giám đốc BIDV cho hay, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của BIDV chỉ tăng 3,4%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, chủ yếu do ngân hàng này vẫn cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, không cạnh tranh được với các ngân hàng TMCP tư nhân. Theo ông Hoàng, các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất đầu vào thì lãi suất đầu ra mới có cơ hội giảm xuống.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, thời gian qua, thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ thiếu hụt tạm thời không chỉ do người dân rút tiền chuyển sang ngân hàng lớn, mà còn do các ngân hàng cũng thiếu tin tưởng lẫn nhau, khiến thị trường liên ngân hàng nhiều lúc đứt đoạn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bơm vốn kịp thời, song áp lực với một số ngân hàng nhỏ chưa phải là đã hết.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP quy mô nhỏ cho rằng, để các tổ chức tín dụng yên tâm đồng thuận hạ lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, Ngân hàng Nhà nước cần bơm tiền hỗ trợ thanh khoản và các ngân hàng lớn cũng phải tham gia “dìu” ngân hàng nhỏ vượt khó khăn thanh khoản. Thời gian qua, các ngân hàng lớn chỉ cho vay ngân hàng nhỏ với điều kiện phải cầm cố giấy tờ có giá. Đây là điều khó khăn cho các ngân hàng nhỏ vì nguồn giấy tờ có giá không có sẵn, khối lượng có hạn.
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank khẳng định, ngân hàng này không chủ trương giảm số dư cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Agribank đang là một trong những ngân hàng cho vay lớn nhất trên thị trường này.
“Các ngân hàng có nhu cầu vay liên ngân hàng cứ đăng ký, Agribank đã nhận được nhu cầu của 8 ngân hàng thương mại. Ngoài ra, ngân hàng nào có nhu cầu hoán đổi ngoại tệ cứ gửi cho Agribank, chúng tôi đang tổng hợp nhu cầu để lên kịch bản, phương án hỗ trợ thị trường”, bà Phượng cho biết.
Theo bà Phượng, giảm lãi suất cho vay là mong muốn không chỉ của doanh nghiệp, mà của cả ngân hàng. Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay phụ thuộc rất nhiều vào giảm lãi suất huy động, chỉ khi các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc duy trì mặt bằng lãi suất như cam kết, thì nhóm Big 4 mới có điều kiện để hỗ trợ khách hàng cũng như hỗ trợ hệ thống.