Dư địa điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn. Ảnh: Đức Thanh |
Lãi suất tạo thanh khoản cho ngân hàng thương mại
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Hanoi Redtour cho hay, Công ty đang tính tới phương án vay vốn ngân hàng để có chi phí hoạt động. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay hiện vẫn khá cao với doanh nghiệp. Chính vì vậy, lãi suất cho vay giảm thêm là điều Hanoi Redtour rất mong chờ.
Cũng như Hanoi Redtour, nhiều doanh nghiệp đã trải qua thời kỳ “đóng băng”, bắt đầu bắt tay khôi phục hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh đó, việc NHNN vừa giảm thêm một loạt lãi suất điều hành được doanh nghiệp hết sức mong chờ.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, lần điều chỉnh lãi suất này được thực hiện trên ơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều Ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái; trong nước nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
"Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nêu trên cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế", ông Hà nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất. 2 tháng qua, áp lực lạm phát đã giảm, không còn căng như 2 tháng đầu năm, giá dầu dự báo chỉ đạt 20-25 USD/thùng. Sức cầu của kinh tế thế giới còn yếu, mặt bằng giá cả hầu như không tăng, việc nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài là rất thấp. Thêm vào đó, giá cả các mặt hàng trong nước đang được kiểm soát tốt, cung tiền ra nền kinh tế - nhất là tín dụng - thấp hơn nhiều năm trước (tín dụng dự kiến chỉ tăng 9-10%).
“Việc giảm lãi suất điều hành sẽ phát tín hiệu cho thị trường về xu hướng của lãi suất, từ đó các ngân hàng thương mại sẽ từng bước giảm lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra. Bên cạnh đó, thông qua giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu…), NHNN sẽ hỗ trợ phần nào chi phí vốn cho các ngân hàng, dù số lượng ngân hàng tiếp cận nguồn vốn này từ NHNN là không nhiều”, TS. Lực nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cũng nhận định, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch, việc giảm thêm lãi suất cho vay là rất cần thiết, ngoài việc giãn nợ, cơ cấu nợ. Tuy nhiên, NHNN không thể bơm tiền hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp, mà phải thông qua hạ lãi suất điều hành, từ đó có nguồn vốn rẻ cho ngân hàng thương mại để họ hỗ trợ lại doanh nghiệp. Đương nhiên, việc cấp vốn vẫn phải đảm bảo các điều kiện tín dụng theo quy định.
Lãi suất huy động khó giảm thêm
Theo ông Phạm Thanh Hà, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kết quả triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất. Trên cơ sở đó, chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Mức giảm lãi suất điều hành 0,5% của NHNN được đánh giá là phù hợp, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ doanh nghiệp. “Mức giảm các loại lãi suất điều hành của NHNN cũng cho thấy Chính phủ, NHNN vẫn muốn để dành dư địa cho việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ nếu thấy cần thiết trong thời gian tới”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng, trần lãi suất huy động hiện nay đã ở mức khá thấp và khó giảm thêm. Bởi việc giảm sâu lãi suất huy động có thể khiến dòng tiền chảy vào ngân hàng - vốn đang chậm lại - có nguy cơ hao hụt thêm.
Thực tế, trong 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng khá chậm (chỉ 1,32%), song huy động vốn còn tăng chậm hơn rất nhiều. Thống kê của các ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE và HNX trong quý I/2020 cho thấy, lượng tiền gửi của các ngân hàng đã giảm 0,47%. Tại TP.HCM, tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 2,22%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 0,5%. Điều này cho thấy, thanh khoản của hệ thống không còn dồi dào như trước.
Do tiền gửi dân cư sụt giảm, nhiều ngân hàng đã rút lượng tiền mặt gửi tại NHNN và tổ chức tín dụng khác để phòng thủ. Trong quý I/2020, lượng tiền gửi tại NHNN và tổ chức tín dụng của một số ngân hàng giảm tới 70%. Thậm chí, một số lãnh đạo ngân hàng đã tỏ ra lo lắng về thanh khoản nếu tiền gửi tiếp tục suy giảm thời gian tới.
Hiện tại, cân đối vốn của hệ thống ngân hàng vẫn ổn định. NHNN vẫn đều đặn bơm vốn qua thị trường mở OMO, nhưng thị trường không hấp thụ hết, lãi suất liên ngân hàng khá thấp, chứng tỏ hiện tượng thiếu thanh khoản chưa xảy ra.
Dự báo, trong tháng 5/2020, thanh khoản vẫn đảm bảo do tín dụng yếu và một lượng vốn lớn quay lại hệ thống qua kênh tín phiếu được đáo hạn (ước trên 120.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, như đã phân tích, do vốn huy động từ dân cư hầu như không tăng, thậm chí có nguy cơ sụt giảm, việc hạ thêm lãi suất huy động có thể gây nguy hiểm cho thanh khoản ngân hàng.
Trên thực tế, dù lãi suất huy động kỳ hạn ngắn giảm song lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn đang được các ngân hàng giữ ở mức khá cao, trên 7%/năm.
Chưa nên tính tới hạ dự trữ bắt buộc
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng
NHNN hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, giảm tiếp trần lãi suất huy động là vấn đề phải cân nhắc, vì trần lãi suất huy động hiện chỉ còn áp dụng với kỳ hạn dưới 6 tháng và đang ở mức tương đối thấp.
Tôi cho rằng, không nên áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi dài hạn như một số doanh nghiệp đề nghị, vì sẽ không đúng với nguyên tắc rủi ro (kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao để bù đắp rủi ro). Hạ dự trữ bắt buộc cũng có thể là phương án đặt ra để xem xét, song chưa nên làm ngay trong thời điểm này.