Quốc tế
Lãi suất ở các nền kinh tế lớn sát đỉnh, nhưng cuộc chiến lạm phát chưa thể dứt
Đông Phong - 18/09/2023 20:55
Ngân hàng trung ương của một số nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là đã đạt hoặc sắp đạt mức lãi suất cao nhất mà họ có thể áp dụng.
Triển vọng lạm phát ngắn hạn ở châu Âu vẫn còn ảm đạm và có thể ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình. Ảnh: AFP

Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ ổn định lãi suất ở mức 4%?

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần trước cho biết Hội đồng điều hành ECB đánh giá rằng lãi suất có thể đã đạt mức cao nhất.

Sau một thời gian dài cân nhắc về các dự báo cập nhật về lạm phát và tăng trưởng kinh tế cũng như tác động của chúng đối với chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục 4%.

Mặc dù quyết định lãi suất trên không loại trừ hoàn toàn khả năng tiếp tục tăng lãi suất, nhưng lãi suất được Ngân hàng Trung ương châu Âu ấn định đang ở mức mà nếu "được duy trì trong thời gian đủ dài, sẽ góp phần đáng kể vào việc đưa lạm phát kịp thời trở lại mục tiêu".

Triển vọng lạm phát ngắn hạn ở châu Âu vẫn còn ảm đạm và có thể ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình. Các dự báo kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Trung ương châu Âu đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho thấy lạm phát trung bình năm nay ước đạt 5,6%, cao hơn mức báo trước đó là 5,4%. Đối với năm 2024, lạm phát ở Eurozone ước đạt 3,2%, nhỉnh hơn mức dự báo trước đó là 3%.

Sang đến năm 2025, các dự báo chỉ ra rằng triển vọng lạm phát trung hạn giảm xuống 2,1%, từ mức 2,2%.

Sau các dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu, các nhà kinh tế, bao gồm chuyên gia cấp cao Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg nhận định, trọng tâm vấn đề hiện nay sẽ xoay sang việc Eurozone sẽ ổn định mức lãi suất hiện nay trong bao lâu.

Deutsche Bank cho rằng sẽ ECB sẽ không thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm nào trước tháng 9/2024, như vậy ngụ ý rằng lãi suất sẽ dừng tăng và ổn định ở mức 4% trong 12 tháng.

Tuy nhiên, thách thức đối với vấn đề trên vẫn còn, nhất là nguy cơ giá dầu tăng lên vọt trong những tháng cuối năm. Giá dầu thô giao kỳ hạn gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng, điều này có thể ảnh hưởng đến chi phí hàng hóa và kỳ vọng lạm phát ở châu Âu cũng như Mỹ.

Ông Raphael Thuin, người đứng đầu chiến lược thị trường vốn tại công ty quản lý đầu tư Tikehau Capital, dự đoán rằng bất chấp sự đồng thuận vào cuối chu kỳ tăng lãi suất của ECB, "một kịch bản thay thế và kém lạc quan hơn vẫn có thể xảy ra: lạm phát mạnh mẽ và dai dẳng một cách đáng ngạc nhiên và dường như có tính cấu trúc".

"Các yếu tố giảm phát gần đây (gồm: giá hàng hóa và hàng hóa cơ bản) dường như đang suy kiệt... Xuất hiện nguy cơ là nếu xu hướng giảm giá không thuyết phục hơn, ECB sẽ xác định cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc, đi kèm với nguy cơ tăng lãi suất cao hơn nữa trong thời gian tới", ông Thuin phân tích.

"Về vấn đề này, biến động số liệu kinh tế vĩ mô trong những tuần tới sẽ quyết định", nhà phân tích của Tikehau Capital nói thêm.

Fed được kỳ vọng giảm lãi suất vào năm 2024

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, đã khẳng định rõ vào tháng trước rằng các đợt tăng lãi suất tiếp theo đang được cân nhắc và cơ quan này lo ngại sâu sắc về việc lạm phát sẽ tiếp tục tăng tốc nếu điều kiện tài chính được nới lỏng.

Trong dự báo tháng 6, có thể sẽ được điều chỉnh trong dự báo cập nhật tuần này, Fed ước tính lạm phát sẽ không giảm về mức 2,1% cho đến năm 2025.

Dữ liệu hàng tháng cho thấy áp lực giá cả tại Mỹ vẫn tiếp diễn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 8 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá cả mặt hàng năng lượng. Nhưng điều đáng ngại là CPI tháng 8 đánh dấu mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ đầu năm.

Tuy vậy, các thị trường gần như chắc chắn Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong tháng 9 và vẫn chưa đồng thuận về việc Fed sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Kết quả thăm dò ý kiến của Reuters cho biết, khoảng 20% các nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ tiến hành ít nhất một đợt tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm.

Đồng quan điểm, các nhà kinh tế tại ngân hàng J. Safra Sarasin nhận định: "Với số liệu kinh tế tương đối mạnh mẽ và lạm phát vẫn còn thách thức, [Fed] sẽ duy trì xu hướng diều hâu".

Về phía Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed, cơ quan này lưu ý rằng "có thể sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất cuối cùng vào cuối năm trong biểu đồ lãi suất của mình, mặc dù chúng tôi không nghĩ rằng cuối cùng họ sẽ thực hiện theo nó". Biểu đồ lãi suất mô tả các dự báo lãi suất được các nhà hoạch định chính sách của Fed công bố hàng quý.

Thị trường tiếp tục kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào năm 2024, mặc dù một số ý kiến khác cho rằng động thái cắt giảm có thể đến sớm hơn. Trong cuộc thăm dò mới đây của Reuters, 28 nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào quý I/2024, trong khi 33 nhà kinh tế khác cho rằng điều này sẽ xảy ra vào quý II.

Nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Anh dừng tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được kỳ vọng tiến hành một đợt tăng lãi suất cuối cùng vào tháng 9 này, bởi lạm phát đã đạt mức 6,8% trong khi nền kinh tế đối diện với những dấu hiệu căng thẳng kèm cảnh báo về một cuộc “suy thoái nhẹ”.

Trong báo cáo tháng 8, Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh cho biết họ dự báo lạm phát sẽ giảm còn 5% vào cuối năm 2023, giảm thêm một nửa vào cuối năm 2024 và trở về mục tiêu 2% vào đầu năm 2025.

Ông Marcus Brookes, giám đốc đầu tư Công ty quản lý tài sản Quilter Investor, nhận định: "Ngân hàng trung ương Anh không còn trong tâm thế rằng tăng lãi suất là sự cần thiết rõ ràng" khi mà tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tháng 7 đã suy yếu.

Trái lại, các nhà phân tích tại BNP Paribas cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ ấn định một đợt tăng lãi suất "ôn hòa" cuối cùng vào tháng 9, do tăng trưởng tiền lương và áp lực lạm phát kết hợp với các chỉ số hoạt động kinh tế đã suy yếu.

Tăng trưởng tiền lương tại Anh trong ba tháng, từ tháng 5 đến tháng 7, đã ổn định ở mức cao kỷ lục 7,8%, nhưng thị trường việc làm nước này đã xuất hiện dấu hiệu "hạ nhiệt", với tỷ lệ thất nghiệp trong kỳ đã tăng 0,5 điểm phần trăm.

Ông James Smith, chuyên gia nghiên cứu thị trường phát triển tại tập đoàn tài chính ING, lưu ý mức tăng lãi suất và mức tăng lương tại Anh đều đã sụt giảm do có rất ít công ty gặp khó khăn trong việc tìm lao động.

"Tăng lãi suất vào tháng 11 là điều có thể xảy ra, nhưng giả sử chúng tôi đi đúng luồng dữ liệu và trên cơ sở các đánh giá gần đây của BoE (Ngân hàng Trung ương Anh), thì khả năng dừng tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới vẫn cao", ông Smith nhìn nhận.

Tin liên quan
Tin khác