Quý IV tiếp tục nhận thêm 304 tỷ đồng từ bàn giao đất
CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR-HoSE) vừa chính thức công bố kết quả kinh doanh của công ty mẹ với mức lợi nhuận trước thuế cán mốc và vượt nhẹ (4 tỷ đồng) so với kế hoạch kinh doanh đề ra.
Hoạt động kinh doanh chính, chủ yếu từ bán mủ cao su, giảm nhẹ về cả doanh thu lẫn tỷ suất lợi nhuận gộp. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng giảm gần 26% do thu hẹp khoản cổ tức nhận được. Tuy nhiên, sự suy giảm này không đáng kể so với khoản lãi đột biến từ hoạt động khác. Riêng trong quý IV/2020, lợi nhuận hoạt động khác tăng mạnh 500,20 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân bởi Cao su Phước Hòa nhận 304 tỷ đồng tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2.
Năm 2019, cũng vì bỏ lỡ ghi nhận các khoản thu bồi thường do chưa đủ thủ tục pháp lý bàn giao đất, Cao su Phước Hòa chỉ hoàn thành được 43% kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 1.152 tỷ đồng, gấp 2,16 lần mức thực hiện năm 2019. Trong năm 2020, cổ phiếu PHR cũng đã rơi sâu do ảnh hưởng tâm lý bán tháo hồi tháng 3/2020. Hiện giá cổ phiếu này đã tăng gấp đôi lên 67.700 đồng, tiến khá gần mức đỉnh lịch sử hồi tháng 8/2019.
Nói không với đầu tư chứng khoán kinh doanh, tiền nhiều để… gửi ngân hàng
Số tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất không chỉ đóng góp chính vào lợi nhuận mà còn giúp Cao su Phước Hòa nắm giữ lượng tiền dư dả. Đến cuối quý IV/2020, doanh nghiệp này sở hữu 262,5 tỷ đồng tiền và tương đương tiền và gần 803 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3-12 tháng. Tính riêng tiền gửi vào ngân hàng, con số này đạt xấp xỉ 1.050 tỷ đồng, cao hơn 69,3% so với thời điểm đầu năm.
So với quy mô tổng tài sản 3.736 tỷ đồng, lượng tiền tại ngân hàng chiếm tới 28,1%. Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên, ý kiến của một số cổ đông yêu cầu Cao su Phước Hòa ghi rõ tên ngân hàng gửi tiền trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể trên báo cáo tài chính quý lần này.
Ở chiều ngược lại, Cao su Phước Hòa đã thoái sạch gần 5,6 tỷ đồng đang đầu tư chứng khoán kinh doanh.
Cách đây 10 năm, khi giá trị tài sản của doanh nghiệp này chỉ gần 2.220 tỷ đồng, Cao su Phước Hòa dành ra 27 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu. Một số khoản đầu tư đã thoái xong nhưng cũng có các khoản phải trích lập dự phòng nhiều năm qua.
Hành động của Cao su Phước Hòa đi ngược với một số doanh nghiệp trên sàn niêm yết. Tận dụng xu hướng phục hồi của thị trường khoán, nhiều tổ chức niêm yết đã dành một phần tiền để tham gia trở thành các nhà đầu tư mới của thị trường đầu tư vào các cổ phiếu trên sàn hoặc cổ phiếu chính công ty mình như Vĩnh Hoàn, DIC Corp (DIG), Haxaco... Khoản lãi nhận được bù đắp một phần thâm hụt trong kết quả hoạt động kinh doanh lõi.
Lãnh đạo công ty từng cho biết định hướng tiếp tục chuyển đổi 10.000 ha đất rừng cao su sang mục đích khác như phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao nên vẫn còn khả năng tiếp tục có thêm các khoản thu nhập từ thanh lý cây cao su hay đền bù đất. Về đầu tư,công ty cũng đang tiến hành các thủ tục pháp lý để sớm thực hiện dự án khu dân cư Tân Bình.