Trước khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính, ca sĩ Lâm Chi Khanh từng được khán giả yêu mến và biết đến với nghệ danh Lâm Chí Khanh. Tấm hình Khanh chụp cùng nghệ sĩ cải lương Kim Tiểu Long trong lễ giỗ tổ ngành sân khấu năm 2012 đánh dấu sự trở lại của nam ca sĩ ngày nào bằng hình ảnh một phụ nữ xinh đẹp và đài các. Sau ca đại phẫu của cuộc đời, cô tự tin xuất hiện tại các sự kiện với những bộ đầm duyên dáng, lộng lẫy.
Sau chuyển giới, nữ ca sĩ tự tin diện những bộ đồ gợi cảm và để kiểu tóc yêu thích. Ảnh: Facebook. |
Hơn ba năm sau ngày bước lên bàn mổ để tìm lại chính mình, Lâm Chi Khanh vừa có cuộc chia sẻ chân thành và cởi mở về tình yêu của người chuyển giới với đạo diễn Lê Hoàng trong chương trình Chuyện đêm muộn. Cuộc trò chuyện giúp Khanh không chỉ nói lên khát khao làm con gái, ước muốn lấy chồng rồi có một gia đình đầm ấm, mà còn khiến người xem hình dung được sự đánh đổi, hy sinh rất lớn mà người chuyển giới như cô phải trải qua để có cuộc sống hôm nay.
Là một ca sĩ nổi tiếng, Khanh từng phải suy nghĩ rất nhiều trước khi phẫu thuật. Người bình thường chỉ cần đối diện tâm lý với gia đình và xã hội, còn Khanh có thêm sức ép từ khán giả.
Khanh tâm sự cuộc đại phẫu lấy đi của cô 10 năm cân nhắc được nhiều hơn mất. Sau phẫu thuật, sức khỏe giảm 30-40% nhưng điều khiến nữ ca sĩ hạnh phúc nhất đó là được sống với chính mình. Khanh không ngờ trở lại với hình ảnh nữ, cô được khán giả đón nhận nhiều như vậy.
Khanh làm con gái còn vì muốn đại diện cho những người bạn chuyển giới yếu thế, bởi dù sao cô cũng là người nổi tiếng. Theo Khanh, người chuyển giới cần phải có tiếng nói và người đại diện. Nếu có người thành đạt, cộng đồng chuyển giới sẽ được nhìn nhận với ánh mắt khác.
Ca sĩ cho hay, nhiều người nghĩ làm phẫu thuật cho vui và theo phong trào nhưng theo cô, đây là quyết định nghiêm túc và đánh đổi lớn nên "không có chuyện phong trào". Được làm con gái thực sự là ước mơ ấp ủ bao năm của những người như Khanh bởi không phải ai cũng có vài trăm triệu đồng để phẫu thuật. Không ít bạn cô tới 40-50 tuổi mới gom đủ tiền chuyển giới.
Một người muốn chuyển giới cần qua nhiều giai đoạn. Ban đầu là tiêm hormone mỗi tuần một lần trong suốt 2-3 năm để cơ thể nữ tính hơn. Thời gian đầu, thuốc khiến cơ thể Khanh khó chịu, buồn ngủ và thèm ăn. Phải thực sự muốn làm con gái và đấu tranh mãnh liệt với cảm giác thuốc vào người mới vượt qua được, còn không chỉ 6 tháng là bỏ cuộc.
Tới giờ, mỗi khi nhắc tới ngày tháng ở Thái Lan cùng giây phút bước lên bàn mổ, Khanh vẫn còn muốn xỉu và sợ hãi. Nhưng lúc đó, khát khao làm con gái quá mãnh liệt khiến Khanh chấp nhận tất cả và thà đau một lần còn hơn chịu sự dằn vặt suốt đời. Ngày đó, bạn trai đưa cô sang Thái Lan làm phẫu thuật tại một bệnh viện lớn. Hai ngày sau khi được thử máu và khám sức khỏe tổng quát, Khanh bắt đầu bước vào cuộc chiến tìm lại mình suốt 24 tiếng trong phòng mổ.
Mổ xong, cô nằm khóc suốt, phần vì đau, phần lại mủi lòng nghĩ tại sao sinh ra không phải là con gái hay con trai thực sự thì đâu tới nỗi này. Sau phẫu thuật, Khanh bị nhiễm trùng tưởng phải bỏ mạng ở đất Thái. Cô nằm viện một tháng mới được về nhà. Trên đường từ Thái Lan về Việt Nam, vết thương còn đọng máu khiến cô vô cùng đau đớn. Suốt ba tháng trời, Khanh chiến đấu với nỗi đau thể xác ấy.
Ngày đầu ngắm mình trong gương, Khanh vui mừng đến bật khóc bởi ước mơ đã thành hiện thực. Khanh thừa nhận giờ cô yếu đuối và dễ khóc hơn xưa do hormone nữ vào người làm cơ thể yếu đi và dễ xúc động.
Sau chuyển giới, hình thể thay đổi khiến cuộc sống của Khanh hạnh phúc hơn nhiều. Tâm lý của cô nhẹ nhàng và thoải mái khi diện những bộ đồ gợi cảm hay để kiểu tóc yêu thích. Tình yêu cũng đến với cô một cách tự nhiên và công khai hơn. Trước đây, Khanh yêu một người con trai trong thầm lặng, không nắm tay cũng chẳng dám thể hiện chỗ đông người. Người đó cũng thương mến nhưng lưỡng lự vì Khanh chưa phải là con gái.
"Giờ, tôi đã có tình yêu hai chiều. Tôi yêu người ấy và người đó yêu lại tôi, công khai. Chúng tôi hạnh phúc và tự tin ra đường, không giống trước đây phải rụt rè, ngại ngùng", Khanh chia sẻ.
Khi được hỏi những người đàn ông đón nhận tình cảm của người chuyển giới như Khanh thế nào, cô tâm sự con gái dị tính hay chuyển giới cũng có người tốt, kẻ xấu. Nếu cô gái ấy tốt, khi yêu, người đàn ông cũng sẽ đáp lại bằng tình cảm tốt. Người chuyển giới cũng vậy.
Khanh từng yêu một người đàn ông ba năm nhưng hiện cả hai đã hết duyên nợ nên dừng lại. Người ấy cùng cô sang Thái, chăm sóc và ở bên cô. Chia tay đã lâu nhưng giờ Khanh vẫn chưa có tình yêu mới, còn người cũ vẫn rất mực thương yêu cô. Nữ ca sĩ cho rằng điều này chứng tỏ tình cảm của người con trai cho một cô gái chuyển giới giống như với một cô gái bình thường khác.
Xinh đẹp và nổi tiếng nhưng vẫn chưa có ai là bởi Khanh muốn tập trung cho sự nghiệp ca hát. "Bây giờ yêu là tôi cưới luôn. Tôi cũng ba mấy tuổi rồi, không còn thích tìm hiểu như xưa. Quen chừng nửa năm hay hơn năm, thấy hợp là tiến tới hôn nhân, còn quen để chơi chơi, tôi không quen đâu", Khanh nói.
"Quen chừng nửa năm hay hơn năm, thấy hợp là tiến tới hôn nhân, còn quen để chơi chơi, tôi không quen đâu", Lâm Chi Khanh cho hay. Ảnh: Facebook. |
Từ khi có ý định làm con gái, Khanh đã nung nấu trong đầu rằng phẫu thuật xong, cô phải lấy chồng. Trải qua 5 mối tình khiến "chết lên chết xuống" và nghĩ tới chuyện tự tử, cô không muốn phiêu lưu tình cảm nữa mà đặt ra tiêu chí "làm con gái xong phải lấy chồng và hạnh phúc".
Biết không thể sống như một người con trai thực sự nên từ xưa đến giờ, Khanh chưa từng làm khổ cô gái nào. Khanh kể từng có rất nhiều con gái thương nhưng cô không muốn làm họ thất vọng. Cô chấp nhận yêu một người đàn ông trong đau khổ còn hơn gây tội lỗi cho người khác.
Với Khanh, điều hối hận trong đời là làm con gái quá muộn. Nếu sớm hơn 10-20 năm, cô sẽ có nhiều cơ hội hơn. Với tư cách khách mời chương trình, cô muốn gửi tới người xem thông điệp hãy nhìn người chuyển giới hay đồng tính một cách bình đẳng.
"Người chuyển giới có làm gì đâu để người khác phải chê cười. Những người chê cười, hãy đặt bản thân mình vào họ. Nếu sinh ra như vậy, ai chê cười họ? Con, cháu hay người thân? Tôi nghĩ không cần thương hại mà chỉ cần sống bình đẳng", Khanh nói.