Một góc đô thị Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: P.V |
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI.
Tuy vậy, dự báo năm 2022 vẫn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế phục hồi chậm, lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất khẩu… tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hành động quyết liệt và hiệu quả hơn; tự lực, tự cường và chủ động vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội…
Trong năm 2022, địa phương đặt ra các mục tiêu chủ yếu như tổng sản phẩm trong nước (GRDP) tăng từ 6-7%, trong đó khu vực nông lâm thủy sản tăng 4,9 - 5,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,1 - 9,1; khu vực dịch vụ tăng 6 - 7,5%.
Về cơ cấu kinh tế, ngành nông lâm thủy chiếm 39,4 - 39,8%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 20,4 - 20,6%, ngành dịch vụ chiếm 39,6 - 40,2%.
GRDP bình quân đầu người khoảng 71,5 - 73,0 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội từ 6 - 7%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 35 - 36% GRDP. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10.500 tỷ đồng; trong đó thu thuế, phí, lệ phí 5.830 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 815 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng lượt khách du lịch qua đăng ký lưu trú 5.000 nghìn lượt khách, tăng 10% so với năm 2020, trong đó khách quốc tế đạt 150 nghìn lượt khách, tăng 36% so với năm 2020.
Lâm Đồng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh để duy trì diện tích canh tác hiệu quả khoảng 300.000 ha.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, có lộ trình, sát với yêu cầu của sản xuất và thị trường trong và ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng và phát triển các chuỗi liên kết; thực hiện có hiệu quả Dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp; quy hoạch hệ thống nhà kính, nhà lưới gắn với phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
Dự kiến năm 2022, diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt 65.253 ha (trong đó: diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh 500 ha), chiếm 21,8% diện tích đất canh tác; thực hiện các giải pháp để phát triển từng ngành, lĩnh vực cụ thể đảm bảo hiệu quả.
Trong năm 2022, Lâm Đồng đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, đặc biệt là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” để tham gia có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
UBND tỉnh Lâm Đồng còn đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, như công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản, đồng thời tăng cường đâu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với phục vụ du lịch.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng sẽ huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng xanh, thân thiện môi trường; tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các đô thị hiện có trên địa bàn, nhất là thành phố Đà Lạt, các đô thị dọc tuyến Quốc lộ 20…; phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên nền tảng số.
Về du lịch, Lâm Đồng xây dựng chương trình kích cầu du lịch tại chỗ “Người địa phương đi du lịch địa phương”, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, điểm du lịch chất lượng cao như nâng cấp mở rộng Dự án Khu du lịch thác Bobla, Khu du lịch Thung Lũng Tình yêu, Khu du lịch thác Prenn, một số dự án tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm…
Lâm Đồng cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm, hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công mới các công trình theo kế hoạch đầu tư công, ưu tiên các dự án quan trọng, chương trình, dự án phát triển hạ tầng có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội…
Về công tác xúc tiến đầu tư, Lâm Đồng sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh; triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư đồng bộ; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương; thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc, chú trọng chất lượng; triển khai thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Về quy hoạch, tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các quy hoạch quan trọng, như Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ); quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; các quy hoạch huyện, quy hoạch đô thị; các quy hoạch khác, như quy hoạch Khu đô thị Liên Khương - Prenn, quy hoạch khu vực hồ Than Thở, quy hoạch Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, Quy hoạch Khu du lịch hồ Prenn…