Covid-19 cũng ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song không thể không thừa nhận, việc thực thi Luật Quy hoạch còn chậm.
Thẳng thắn nhìn nhận, dù cho rằng, để đánh giá một cách chính xác hạn chế của Luật Quy hoạch ở thời điểm này là không thể, bởi cần có thời gian áp dụng Luật trên thực tiễn, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa hoàn thành lập, phê duyệt hệ thống các quy hoạch quốc gia.
Công tác lập các quy hoạch cấp quốc gia đang được yêu cầu phải đẩy nhanh. |
Chẳng hạn, Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch, để thực hiện cần nhiều thời gian để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung 73 luật, pháp lệnh có liên quan và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, căn cứ trên Luật Quy hoạch và các văn bản luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Quy trình lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch phải triển khai qua 2 bước là lập, thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch, ở mỗi bước đều cần thực hiện các thủ tục lựa chọn tư vấn và tổ chức thẩm định. Do vậy mất nhiều thời gian để thực hiện quy trình theo quy định.
Hơn nữa, còn một nguyên nhân quan trọng mang tính khách quan khác. Đó là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn khó khăn hoặc không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.
Chưa kể, còn các vấn đề liên quan đến nguồn vốn cho công tác quy hoạch, thiếu đội ngũ tư vấn lập quy hoạch, đầu tư cho công tác quy hoạch ở các cấp còn hạn chế, một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch được ban hành chậm; còn có nội dung chưa thống nhất...
Khẩn trương hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết
Khẳng định vai trò quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thực hiện một loạt giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Một trong số đó, là cho phép hướng dẫn quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh tại Điều 16 Luật Quy hoạch để thể hiện cách thức tích hợp quy hoạch.
Đồng thời, cho phép lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch và rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch.
Bên cạnh đó, cho phép sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này.
Các biện pháp khác được đề xuất là sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc lập, thẩm định, điều chỉnh, công bố các quy hoạch chưa được phân bổ kinh phí (quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành...).
Cùng với đó, áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó cần ưu tiên tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, ảnh hưởng đến việc điều hành phát triển kinh tế xã - hội của đất nước; phấn đấu hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng chủ chốt (quy hoạch ngành giao thông, quy hoạch năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch thủy lợi, đê điều...) trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến vấn đề này, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” cũng đã đề nghị Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn lực và công tác chỉ đạo để sớm hoàn thành các quy hoạch quan trọng, bảo đảm chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.