Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Đây là một trong các kiến nghị của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Báo cáo trước Quốc hội trong phiên làm việc sáng 30/5 do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện.
Đoàn giám sát nhận thấy, các bộ, địa phương đã tập trung nguồn lực, bố trí vốn theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước để tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng số vốn dự toán kinh phí lập quy hoạch đã duyệt là 4.367,99 tỷ đồng. Trong đó, vốn của các bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng; vốn dự toán kinh phí lập quy hoạch đã duyệt của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng, từ các nguồn ngân sách Trung ương (111,88 tỷ đồng); ngân sách địa phương (2.654,83 tỷ đồng) và nguồn vốn khác (xã hội hóa, được tài trợ…) là 357,65 tỷ đồng.
Tổng số vốn đã giải ngân tính đến ngày 28/2/2022: các bộ, ngành đã giải ngân là 244,687 tỷ đồng (bằng 19,67% số vốn của bộ, ngành đã được duyệt). Các địa phương đã giải ngân là 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72% số vốn của địa phương đã được duyệt).
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cho rằng, dù việc triển khai các công tác quy hoạch đã cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về quy trình, thủ tục theo Luật Quy hoạch, tuy nhiên, đối với chất lượng của các quy hoạch này cần phải có thời gian kiểm nghiệm trên thực tiễn mới có đủ cơ sở để đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác.
Đoàn giám sát cũng lo ngại chất lượng quy hoạch sẽ khó được bảo đảm nếu cố gắng thực hiện mục tiêu của Chính phủ là phê duyệt toàn bộ các quy hoạch trước ngày 31/12/2022.
Việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành sẽ gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư do nguy cơ thiếu quỹ đất; ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; tác động đến sự phát triển của đất nước, nhất là việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Thực tế có nhiều lý do ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch.
Thứ nhất, việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia hội đồng thẩm định còn thiếu.
Thứ ba, chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch.
“Hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao”, ông Thanh nhấn mạnh. Vì vậy, một số quy hoạch được phê duyệt, nhưng đã bộc lộ một số bất cập.
Ví dụ, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa thể hiện rõ mối quan hệ với TP.HCM và vùng miền Đông Nam bộ. Hay 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông - vận tải chưa thể hiện được tính đồng bộ, kết nối của 5 phương thức vận tải.
“Các dự án quan trọng quốc gia trong 4 quy hoạch này chưa phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn 5 năm để gắn kết với các kế hoạch trung hạn, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo với Quốc hội.
Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đoàn giám sát cho biết, trong quá trình Quốc hội xem xét đã có địa phương phản ánh nội dung trong quy hoạch chưa phản ánh đúng thực trạng sử dụng đất ở địa phương.
Vì vậy, trong Nghị quyết 39, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dữ liệu hiện trạng sử dụng đất để trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh nếu có sự sai khác về số liệu hiện trạng sử dụng đất.
“Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận được kiến nghị của địa phương về chỉ tiêu đất được phân bổ chưa bảo đảm thu hút đầu tư các dự án lớn”, ông Thanh cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, ông Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV cũng đề nghị các bộ, ngành địa phương tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch.
Đặc biệt, đại biểu nhắc đến 5 bài học kinh nghiệm trong kết quả thực hiện quy hoạch của Bộ Giao thông - Vận tải và tỉnh Bắc Giang, hai đơn vị này đã xuất sắc vươn lên hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch được giao.
Đó là, phải có quyết tâm chính trị trong toàn hệ thống, xem việc lập quy hoạch như một nhiệm vụ chính trị trọng điểm, phải có kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, có thời gian hoàn thành, có kiểm tra; Không phó mặc hết cho tư vấn, không phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị tư vấn, các cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải chủ động đưa ra các định hướng lớn, đặt đầu bài cho tư vấn, trên cơ sở đó đơn vị tư vấn sẽ hỗ đưa ra các phương án quy hoạch để xem xét;
Người đứng đầu và các lãnh đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải dành thời gian để nghiên cứu, đặt đầu bài, dành thời gian để nghe, để góp ý cho tư vấn, nếu không dành thời gian để đặt đầu bài, để nghe, để góp ý thì quy hoạch sẽ chậm tiến độ và kém chất lượng;
"Phải huy động được các nguồn lực bên trong và sự hỗ trợ kỹ thuật và các nguồn lực ở bên ngoài một cách linh hoạt", đại biểu Khải nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông cũng cho rằng, bài học kinh nghiệm cần chia sẻ là phải dân chủ, công khai, minh bạch và sử dụng tối đa ý kiến của các chuyên gia, của các cơ quan tư vấn, các nhà khoa học và lắng nghe ý kiến của các địa phương, phối hợp các bộ, ban, ngành.
"Nếu làm kỹ thì khi trình lên Hội đồng Thẩm định quốc gia dễ được thông qua, tiến độ quy hoạch được đẩy nhanh, chất lượng quy hoạch được đảm bảo", ông Khải nói.
Theo Chương trình làm việc, Quốc hội sẽ dành cả ngày 30/5 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.