Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội. (Ảnh: một phiên họp của Quốc hội đương nhiệm) |
Ban Tổ chức Trung ương vừa có công văn làm rõ hơn một số nội dung về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ.
Trước đó một số tỉnh uỷ, thành uỷ như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đăk Lăk, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đã có văn bản đề nghị làm rõ hơn một số nội dung trong hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, nêu rõ thêm các vấn đề còn thắc mắc, để công tác nhân sự “đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, cơ cấu, thành phần”.
Theo hướng dẫn, về độ tuổi ứng cử đối với nhân sự là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước (cả chuyên trách và không chuyên trách) nói chung phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn 1 nhiệm kỳ; trường hợp tái cử phải còn đủ tuổi công tác trọn 1 nhiệm kỳ, ít nhất phải đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp thẩm quyền xem xét quyết định.
Nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện theo phương án nhân sự do cấp uỷ chuẩn bị, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (gắn với công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025); trường hợp cần thiết nếu phải thay đổi thì báo cáo cấp uỷ có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thực hiện đúng độ tuổi ứng cử theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại bộ luật Lao động 2019.
Trước đó, hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức Trung ương đã xác định thời điểm cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử là: nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây. Nhân sự tái cử: nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây. Cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, ứng cử lần đầu sinh từ tháng 1/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây.
Đối với người ngoài đảng ứng cử, theo hướng dẫn, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét báo cáo ban thường vụ cấp uỷ có thẩm quyền (nơi nhân sự cư trú, làm việc hoặc ứng cử) kết luận về tiêu chuẩn chính trị.
Cũng theo hướng dẫn số 36 thì đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là những người trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đối với cán bộ, đảng viên phải là những người tiêu biểu, xuất sắc, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, có năng lực, kinh nghiệm, thể hiện trách nhiệm nêu gương, không vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, được nhân dân tính nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Quán triệt Kết luận số 174, Hướng dẫn số 36 đã bổ sung cụ thể yêu cầu phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Với đại biểu chuyên trách, người giới thiệu để bầu phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc phải có quy hoạch thứ trưởng và tương đương trở lên; ở địa phương thì phải là chức danh giám đốc sở ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên.