Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) mới đây có Báo cáo số 668/KCNC-QHXDMT gửi UBND TP.HCM về những vướng mắc liên quan đến Dự án Sử dụng năng lượng sinh khối của Công ty cổ phần Sanofi Việt Nam tại SHTP. Theo đó, Dự án được doanh nghiệp đề xuất sử dụng 1 lò hơi đốt trấu vỏ rời công suất 10 tấn/giờ thay thế cho 3 lò hơi đốt bằng dầu diesel (dầu DO) với tổng công suất 7 tấn/giờ.
Tuy nhiên, khi sử dụng lò hơi đốt trấu, Sanofi Việt Nam không tháo dỡ 3 lò hơi đốt dầu DO, mà vẫn để dự phòng khi lò hơi đốt vỏ trấu gặp sự cố. Ban Quản lý SHTP lo ngại, bụi mịn phát sinh trong quá trình đốt vỏ trấu, vận chuyển tro xỉ sau đốt, nếu không kiểm soát được, sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động nghiên cứu, sản xuất của các doanh nghiệp tại SHTP, cũng như nhiều khu dân cư tập trung xung quanh Khu công nghệ cao.
Trước đó, trong suốt quá trình Dự án được triển khai, Ban Quản lý SHTP và Sanofi Việt Nam đã nhiều lần trao đổi, làm rõ những vấn đề phát sinh cần xử lý để đảm bảo các vấn đề về môi trường. Tại buổi làm việc ngày 26/3/2024 giữa Trưởng ban Quản lý SHTP, ông Nguyễn Anh Thi với Sanofi Việt Nam, hai bên đã trao đổi làm rõ những vấn đề còn vướng mắc của Dự án.
Đến ngày 10/4/2024, Ban Quản lý SHTP có Văn bản số 397/KCNC-QHXDMT gửi Sanofi Việt Nam đề nghị chuẩn bị nội dung cho buổi trình bày phương án chuyển đổi lò hơi trước hội đồng chuyên gia của Ban Quản lý SHTP. Trong đó, SHTP đề nghị Sanofi Việt Nam làm rõ và nêu cụ thể 10 nội dung như: việc chuyển đổi từ sử dụng dầu DO sang vỏ trấu là thay thế hoàn toàn hay chỉ một phần; làm rõ phương án xử lý tro xỉ sau đốt; dự báo và đánh giá tác động môi trường của toàn bộ hoạt động chuyển đổi từ dầu DO sang vỏ trấu…
Đặc biệt, Ban Quản lý SHTP lo ngại hoạt động đốt trấu cho lò hơi của Sanofi Việt Nam phát sinh bụi mịn là nguồn ô nhiễm nhất (bụi từ khâu nạp liệu, bụi trong khí thải, bụi từ tro xỉ sau đốt). Riêng đối với hệ thống lò đốt thì phía Sanofi Việt Nam dự báo nồng độ bụi trong khí thải phát sinh cao hơn QCVN 19: 2009 /BTNMT cột B là 27 lần.
Sau khi nhận được yêu cầu của Ban Quản lý SHTP, ngày 6/5/2024, Sanofi Việt Nam có Văn bản số 01/05/2024/HSE-SVN phúc đáp rằng, yêu cầu đánh giá tác động môi trường của Dự án chỉ được thực hiện sau khi đã được Ban Quản lý đồng ý về nguyên tắc. Khi đó, Sanofi Việt Nam sẽ làm việc với các tổ chức chuyên môn để đánh giá tác động môi trường của Dự án.
Phía Sanofi Việt Nam cho hay, dù chưa được Ban Quản lý SHTP chấp thuận về nguyên tắc, nhưng Công ty vẫn chi số tiền đáng kể để thuê một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện đánh giá tác động môi trường cũng như trả lời tất cả các yêu cầu của Ban Quản lý SHTP. “Sanofi Việt Nam đề nghị Ban Quản lý cho phép được kéo dài thời gian nộp báo cáo đến ngày 30/7/2024. Sanofi Việt Nam cam kết sẽ nộp báo cáo không trễ hơn ngày 30/7/2024”, Văn bản của Sanofi cho biết.
Sau đó, Ban Quản lý SHTP có văn bản phản hồi ghi nhận những nỗ lực của Sanofi Việt Nam trong việc chuyển đổi công nghệ sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đặt mục tiêu trở thành nhà máy không phát thải carbon vào năm 2025. Đồng thời, thống nhất với đề xuất kéo dài thời gian nộp báo cáo của Công ty đến ngày 30/7/2024.
Trong khi chờ chuyển đổi công nghệ lò đốt, Ban Quản lý SHTP lưu ý Sanofi Việt Nam vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo giấy phép môi trường đã được cấp và được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tại Công văn số 9900/STNMT-CCBVMT ngày 24/10/2023.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Anh Tuấn, Phụ trách môi trường của Sanofi Việt Nam cho biết, doanh nghiệp rất muốn đẩy nhanh dự án này để thực hiện mục tiêu trở thành nhà máy trung hòa carbon. Tuy nhiên, các yêu cầu mà SHTP đưa ra rất khác so với các khu công nghiệp khác. “Ngay tại TP.HCM, các doanh nghiệp nằm ngoài Khu công nghệ cao nếu chuyển đổi công nghệ như Sanofi Việt Nam, thì đều được chấp thuận”, ông Tuấn nói.