Bán thẻ thành viên
Với 6 triệu đồng/tháng, thành viên mua thẻ của Wisepass được quyền sử dụng 30 chai rượu/tháng tại các nhà hàng, khách sạn… tại TP.HCM. Wisepass là nền tảng trung gian, kết nối cung cấp rượu giữa các thương hiệu và người dùng thông qua bán thẻ thành viên, nhưng giá trị chính mà họ cần là dữ liệu về ngành rượu, yếu tố rất quan trọng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Hiện tại, 144 thành viên của Wisepass có thể đặt 1 chai rượu/ngày và sử dụng tại 39 địa điểm mà Wisepass có liên kết. Theo thống kê của start-up này, có 70% thành viên là nam, 80% thành viên từ 25 - 34 tuổi, 80% thành viên sử dụng dịch vụ từ 7 giờ tối đến đêm, 50% sử dụng vào các ngày thứ Tư, thứ Bảy và Chủ nhật. Những dữ liệu này, theo Lâm Trần, đồng sáng lập/CEO Wisepass, sẽ được Công ty phân tích xem sản phẩm nào đang được tiêu thụ mạnh, số lượng bao nhiêu, địa điểm nào được tiêu thụ nhiều nhất…, từ đó đưa ra chiến lược cho từng nhãn hàng.
Ông Lâm Trần, CEO của Wisepass |
Có thể nói, nhà cung cấp cũng là những khách hàng mục tiêu tiềm năng của Wisepass. Nhưng để thực hiện được điều này, Wisepass phải có số lượng thành viên đủ lớn để có dữ liệu chuẩn xác. Nói ngắn gọn, bán rượu để có nguồn dữ liệu, sau đó, phân tích để hiểu về thị trường, từ đó, có thể đưa ra các chiến lược phát triển sản phẩm cụ thể cho các nhà cung ứng.
“Chậm nhất đến cuối năm nay, Wisepass phải đạt mức tiêu thụ 1.000 chai/tháng tại 100 địa điểm ở các thành phố lớn trên toàn quốc. Với tốc độ tăng trưởng trên 50%/tháng, chúng tôi kỳ vọng đạt được mục tiêu này”, Lâm Trần chia sẻ.
Đích đến không chỉ là rượu
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong ngành marketing, nhưng theo Lâm Trần, rất ít doanh nghiệp có thể đo được giá trị mang về sau những chiến dịch, chương trình truyền thông. Vì vậy, Wisepass cam kết, với ngân sách marketing khoảng 200 triệu đồng, đội ngũ Wisepass sẽ mang lại cho nhãn hàng 1 tỷ đồng nếu dùng ngân sách đó để đầu tư vào Wisepass. Nhưng mục tiêu này sẽ chỉ được thực hiện khi nguồn dữ liệu đạt như kỳ vọng. Tháng 5 tới, Wisepass bắt đầu thực hiện cam kết trên với một khách hàng đầu tiên.
Đối tượng khách hàng của Wisepass cũng được định vị cụ thể. Độ tuổi trung bình từ 25-54, có thu nhập tối thiểu 40 triệu đồng/tháng, học vấn từ thạc sỹ trở lên, kinh nghiệm làm việc trên 5 năm.
Theo Lâm Trần, có khoảng 5.000 người ở Việt Nam đáp ứng các tiêu chí trên. Nhưng thú vị hơn, nhóm đối tượng khách hàng cá nhân chỉ dùng Wisepass để “thử cho biết”. Trong khi đó, gần đây nhất, BMW Vietnam đã mua thẻ thành viên Wisepass cho 100 nhân viên bán hàng của mình và kết quả cho thấy, các tổ chức mới là khách hàng tiềm năng, bởi họ dùng Wisepass trong những buổi ký kết hợp tác, cho công việc làm ăn đảm bảo sang trọng, lịch sự.
Rượu chỉ là sản phẩm bắt đầu, Wisepass đang mang lại một số tiện ích khác trên cùng dịch vụ để đa dạng sản phẩm. Ví dụ, thay vì với 6 triệu đồng/tháng, khách hàng được đặt 1 chai rượu/ngày, thì hiện nay, thành viên còn có thể “đổi” rượu để nhận một bữa ăn trưa.
Việt Nam là nơi để trở về
Sinh ra và lớn lên tại Pháp, làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng với Lâm Trần, Việt Nam lại phù hợp hơn cả về mọi mặt từ khí hậu, tới con người.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tại Pháp, Lâm làm việc 2 năm tại Tập đoàn quảng cáo TheMedias tại New York (Mỹ), bắt đầu từ vị trí thực tập viên với mức lương 300 USD/tháng, đến chuyên viên bán hàng giỏi nhất với thu nhập 20.000 USD/tháng. Nhưng anh lại dừng công việc này để lập Công ty Solidity Trade tại Ghana, chuyên cung ứng bơ hạt mỡ cho các hãng mỹ phẩm tại Mỹ, Thụy Điển. Solidity Trade phát triển nhanh chóng, cung ứng tới 60 tấn/năm ngay trong 2 năm đầu hoạt động.
Sau đó, anh bán lại công ty trên do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năm 2008. Từ năm 2011 đến 2014, anh phụ trách marketing cho các công ty khởi nghiệp của Việt Nam như Nhommua.com, Tiki.vn hay phát triển chiến lược tại Google (Chi nhánh Paris).
“Lương, thưởng mang lại cho tôi đầy đủ điều kiện vật chất, nhưng trong thời gian làm việc ở Google, tôi luôn nghĩ đến việc trở về Việt Nam, tạo nghiệp nào đó ở đất Sài Gòn”, Lâm Trần nhớ lại. Sau đó, anh quyết định trở lại Việt Nam và khởi nghiệp.
Wisepass đã nhận được đầu tư 15.000 USD từ Công ty cổ phần Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA) và dự kiến, sẽ nhận thêm khoảng 20.000 USD để mở rộng thị trường.
Nhưng, Lâm Trần cần thêm khoảng 600.000 USD phát triển nhanh hơn, đạt mục tiêu tiêu thụ 10.000 chai rượu/tháng, có mặt trên 10 thành phố trong và ngoài nước. Đây mới là một trong các cơ sở để Wisepass liên kết với nhiều đối tác trong ngành ăn uống.
“Trong những năm tới, tôi kỳ vọng, nguồn thu của Wisepass sẽ tăng mạnh. Nguồn tiền này ngoài việc tiếp tục đầu tư như tuyển dụng thêm nhiều nhân viên, trả họ nhiều lương hơn, mà còn có thể hỗ trợ phần nào các sinh viên vượt khó tại các trường đại học”, CEO Wisepass chia sẻ.