Ông Shivam Misra, Tân Tổng Giám đốc Diageo plc., tại Việt Nam |
Ở Việt Nam ngày càng có nhiều người Ấn Độ là Tổng Giám đốc, ông nhận định thế nào về xu hướng này?
Trước hết, tôi đánh giá cao những doanh nhân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm tại thị trường đang phát triển, hơn là chỉ nói về những người gốc Ấn giữ vị trí lãnh đạo ở các nước khác nhau. Thị trường Việt Nam rất tiềm năng, nhiều cơ hội, nhưng khá đa dạng và phức tạp, do đó kinh nghiệm tích lũy tại các thị trường mới nổi rõ ràng rất quan trọng.
Ở Ấn Độ quê hương tôi, thị trường cũng rất đa dạng, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh – FMCG. Bản thân tôi từng làm việc ở Singapore và Ấn Độ, chủ yếu trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng, sau đó là chuỗi cung ứng và sản xuất trước khi đến Việt Nam. Những kinh nghiệm này giúp tôi có cái nhìn tổng thể khi điều hành mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp.
Những ưu tiên của ông tại thị trường Việt Nam là gì?
Mỗi thị trường mới nổi đều có sẵn những thách thức cơ bản mà hầu hết các giám đốc người nước ngoài cần phải vượt qua. Đó là cân bằng giữa mục tiêu lâu dài và cơ hội hiện có, vì bất kỳ điều gì mới cũng mang tới cơ hội (cũng như thách thức). Ở Việt Nam, ba mục tiêu chính của chúng tôi là sản phẩm, con người và cộng đồng.
Về sản phẩm, chúng tôi đang sở hữu những thương hiệu đồ uống hàng đầu thế giới. Về con người, tôi nghĩ rằng, trao cho nhân viên những kỹ năng và cơ hội, cũng như những trải nghiệm khác nhau để từ đó phát triển khả năng lãnh đạo là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho xã hội với chương trình phát triển kỹ năng của nhân viên pha chế (bartender) trong cuộc thi Diageo Reserve World Class, tăng cường năng lực và vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng thông qua chương trình Plan W, cổ vũ văn hóa uống có trách nhiệm thông qua chương trình “Đã uống rượu bia, không lái xe”, chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua chương trình Nước sạch cho cuộc sống...
Theo ông, Chính phủ Việt Nam nên làm gì để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn?
Nếu phân tích các nền kinh tế mới nổi, chúng ta sẽ thấy Việt Nam không cần phải làm điều gì đó quá khác biệt, mà chỉ cần tập trung làm tốt các vấn đề căn bản như: tăng khả năng tiếp cận, giảm những hạn chế trong phân khúc ngành hàng tiêu dùng. Đặc biệt, trong lĩnh vực mà chúng tôi hoạt động trong suốt nhiều năm qua, việc kinh doanh không thể mở rộng bởi lý do: trong lúc dân số và các chủng loại sản phẩm ngày một tăng, thì số lượng cấp phép cho cửa hàng bán lẻ lại rất giới hạn. Do đó, việc tiếp cận tốt hơn tới người tiêu dùng thông qua những thay đổi, cải cách về mặt chính sách là một việc rất quan trọng cần thực hiện.
Vấn đề quan trọng thứ hai đối với Việt Nam là một hệ thống tài chính lành mạnh, giảm thiểu được các tài sản không sinh lợi và nợ xấu để tạo tính ổn định.
Vấn đề thứ ba, áp dụng cho mọi ngành hàng - đó là tạo ra một khung pháp lý thuận lợi hơn cho việc đầu tư và thu hồi vốn.
Tôi nghĩ rằng, nếu Chính phủ Việt Nam cải thiện được ba vấn đề trên thì tăng trưởng kinh tế đạt mức 6 - 7% không phải ngoài tầm thực hiện.