Làn sóng mới
Theo báo cáo của Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình, trong năm 2015, có 14 dự án đầu tư vào các KKT, Khu Công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 9.765 tỷ đồng. Trong đó, có 11 dự án đã thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 744 tỷ đồng, 3 dự án khác đang phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, thẩm tra năng lực để cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 9.021 tỷ đồng.
Cảng biển Hòn La - Khu kinh tế Hòn La. Ảnh: Ngọc Tân |
Những con số ấn tượng trên cho thấy, hoạt động thu hút đầu tư vào Quảng Bình thực sự đã có những chuyển biến. Điều quan trọng hơn mà Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình làm được, đó là, đã tạo ra được một làn sóng mới các nhà đầu tư phù hợp với định hướng kêu gọi đầu tư đến với tỉnh. Những dự án này tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, bất động sản, năng lượng sạch...
Đối với lĩnh vực năng lượng sạch, các dự án được xem là điển hình như Dự án Nhà máy Pallet và Năng lượng (Công ty Trường Thành làm chủ đầu tư, tại KCN Bắc Đồng Hới), Dự án Nhà máy sản xuất Viên nén năng lượng (Tập đoàn DOHWA-Hàn Quốc làm chủ đầu tư, tại KCN Cảng biển Hòn La)…
Bên cạnh những dự án nói trên, các KKT, KCN tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua cũng ghi nhận số lượng lớn chưa từng có các dự án bất động sản dịch vụ và bất động sản logistics. Các dự án này tập trung chủ yếu tại KKT Cửa khẩu Cha Lo và KKT Hòn La. Đây là 2 KTT trọng điểm của tỉnh. Tại KKT Cửa khẩu Cha Lo, các dự án nổi bật tại đây có thể kể đến như Dự án Trung tâm thương mại Việt Lào (Công ty Anh Pháp Việt làm chủ đầu tư), Dự án Khu thương mại dịch vụ Bảo Hoàng (Công ty Bảo Hoàng làm chủ đầu tư ), Dự án Trung tâm thương mại Cha lo (Công ty Hưng phát làm chủ đầu tư) tại KKT Cha Lo... Tại KKT Hòn La, nổi bật nhất chính là Dự án Kho ngoại quan và hệ thống đường ống dẫn dầu từ Cảng biển Hòn La sang tỉnh Khăm Muộn (Lào) do Công ty TNHH Petro Lào làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD...
Lĩnh vực du lịch dịch vụ, khu nghỉ dưỡng cũng nằm trong làn sóng đầu tư mới, điển hình chính là dự án Khu du lịch sinh thái Quảng Đông tại KKT Hòn La do Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư với tổng vốn 500 tỷ đồng.
Không chỉ đối với lĩnh vực năng lượng sạch và bất động sản, các dự án công nghiệp chế biến gỗ, vật liệu xây dựng... cũng nằm trong làn sóng đầu tư mới này. Các dự án không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho lao động địa phương, mà quan trọng hơn, với ý thức của thế hệ những nhà đầu tư mới, xem việc tạo ra sản phẩm từ một quy trình công nghệ hiện đại đảm bảo yếu tố môi trường là cách để nâng cao uy tín thương hiệu doanh nghiệp. Đồng thời, giúp giảm thiểu được những tác động môi trường không mong muốn tại địa bàn. Tiêu biểu trong số đó chính là Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất MDF của Công ty cổ phần LICOGI13 tại KCN Bắc Đồng Hới, với tổng vốn đầu tư 1.423 tỷ đồng. Đây là dự án được thực hiện với hệ thống dây chuyền có công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.
Thay đổi định hướng kêu gọi đầu tư
Ông Phạm Văn Năm, Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hiện người ta ít nói đến khái niệm “trải thảm đỏ. Xúc tiến đầu tư phải tính đến hiệu quả, làm sao để doanh nghiệp và địa phương cùng có lợi. Nghĩa là xúc tiến đầu tư bây giờ không phải bằng mọi giá, mà phải có sự lựa chọn nhà đầu tư nào, năng lực ra sao, việc đầu tư phải bảo đảm tính bền vững, sử dụng lao động địa phương, thân thiện môi trường, chuyển giao công nghệ...”.
Có thể nói, đây không chỉ là ý kiến riêng của lãnh đạo Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình mà còn là định hướng chung đã được chính quyền tỉnh Quảng Bình đặt ra đối với công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh. Từ định hướng ấy, Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình đã có những điều chỉnh nhằm kêu gọi được các dự án phù hợp.
Cũng theo ông Năm, Ban quản lý KKT luôn xác định, những dự án được ưu tiên mời gọi trước hết phải là những dự án được đầu tư nghiêm túc, bài bản, bền vững, thân thiện với môi trường, có công nghệ hiện đại, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu và đặc biệt phải có ít tác động đến môi trường bản địa. Với những dự án này, khi nhà đầu tư tiến hành triển khai thực hiện,thì sẽ được Ban quản lý KKT cũng như chính quyền tỉnh Quảng Bình hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức về cơ chế. Để việc thu hút đầu tư thực hiện đúng định hướng, trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý KKT sẽ có sự giám sát chặt chẽ đối với nhà đầu tư, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết của mình với việc đảm bảo môi trường, đảm bảo công nghệ. “Công tác thẩm định năng lực chủ đầu tư, thẩm định dự án ngay trước khi cấp phép cũng sẽ được Ban quản lý KKT chú trọng”, ông Năm cho biết.
Theo lãnh đạo của Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình, trong thời gian tới, Ban quản lý KKT tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư có năng lực, nhằm kêu gọi đầu tư vào các KKT, KCN của tỉnh.
Ông Năm chia sẻ: “Quan trọng nhất trong xúc tiến đầu tư hiện nay là quảng bá tiềm năng, làm sao để hình ảnh Quảng Bình, tiềm năng của tỉnh được các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến. Thứ hai, là cải cách thủ tục hành chính, làm sao để thông thoáng, nhanh gọn, đầy đủ cho nhà đầu tư. Đây cũng chính là cái cốt lõi của khái niệm “trải thảm đỏ”. Tỉnh cũng đang chỉ đạo và Ban cũng đang chú trọng để thực hiện tốt những việc này”.