Y tế - Sức khỏe
Làn sóng dịch chuyển nhân sự y tế từ công sang tư: Sự cạnh tranh bình đẳng
Mộc An - 27/02/2023 07:25
Sự dịch chuyển nhân lực từ y tế công sang tư có phải là tín hiệu chứng tỏ sức hút của y tế tư nhân?
Với môi trường làm việc tốt hơn, trả lương cao hơn, bệnh viện tư đang thu hút không ít nguồn lực từ bệnh viện công

Sự thay đổi về tư duy

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Bệnh viện Vinmec… và một loạt bệnh viện tư nhân khác đang thu hút một lượng lớn bác sĩ từ các bệnh viện công chuyển sang. Một lãnh đạo bệnh viện công từng đau khổ thốt lên rằng, xe của bệnh viện tư nhân chờ sẵn ở cổng, chỉ đợi bác sĩ của ông đi ra là chở đến nơi khác.

Cái thở dài bất lực của vị giám đốc bệnh viện ấy cùng làn sóng rời bỏ nơi đã từng gắn bó nhiều năm của một số nhân viên y tế không phải ngẫu nhiên, mà là hệ quả tất yếu của nền y tế công đầy rẫy bất ổn như hiện tại. Đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, khiến y, bác sỹ phải làm việc trong trạng thái bất an hay cơ chế lương bổng, cùng hàng loạt quy định về bảo hiểm xã hội, đấu thầu khiến những y, bác sĩ trong các bệnh viện công lập đôi lúc ngạt thở.

GS-TS Nguyễn Anh Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, không những y tế công thiếu người, mà y tế tư cũng đang thiếu nhân lực. Để khắc phục vấn đề này, có thể thành lập Trung tâm nhân lực. Trung tâm này sẽ gánh vác 3 nhiệm vụ: liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên y tế; mở rộng các quan hệ quốc tế, tiến tới ký các hợp đồng chuyển giao kỹ thuật, tham gia các chương tình đào tạo quốc tế; quản lý nguồn nhân lực hiện có tại các bệnh viện tư nhân thuộc Hiệp hội, trên cơ sở đó có thể điều tiết ngắn hạn, dài hạn giữa các bệnh viện.

Nhiều nhân viên y tế quyết định chuyển sang y tế tư nhân nói rằng, họ quá mệt mỏi khi phải làm việc trong điều kiện căng thẳng vì tinh thần và kiệt quệ về phương tiện. Sang bệnh viện tư, họ được làm việc trong môi trường đầy đủ thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men. Họ cũng không phải lo lắng về những sai phạm liên quan đến đấu thầu của lãnh đạo bệnh viện. Đặc biệt, sức hấp dẫn nhất của hệ thống y tế tư nhân so với công lập là mức lương.

Một cán bộ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, họ được trả mức lương cao gấp 5 lần so với khi còn làm ở bệnh viện công, trong khi không phải đối diện với nỗi lo làm việc quá tải triền miên từ ngày này qua ngày khác.

Nhiều người khác thì tâm sự, họ rời bệnh viện công chủ yếu là do chán nản với cảnh bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, nhưng bó tay vì không có vật tư; muốn kê đơn cho bệnh nhân mà thiếu thuốc.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy và nhiều cơ sở y tế lớn trên toàn quốc đang trong tình trạng cạn kiệt vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân.

Khi các cơ sở y tế đang rộn ràng tổ chức Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), thì tại hai bệnh viện trung ương hạng đặc biệt lại diễn ra một cuộc họp mà không mấy ai mong muốn - họp để giải quyết vấn nạn thiếu thuốc, vật tư y tế.

Theo GS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chỉ còn một tuần nữa là những xét nghiệm đơn giản như công thức máu của Bệnh viện cũng không còn hóa chất để dùng. Bệnh viện đã họp rất nhiều, nhưng không tìm ra hướng xử lý, vì đó là hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại Bệnh viện.

“Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc không thể tự xử lý được. Hiện tại, số người bệnh phải chờ đợi để được điều trị rất lớn, trong khi những vướng mắc về cơ chế, chính sách để mua hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được tháo gỡ”, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội cho biết, những người nghỉ việc hầu hết đã có bằng sau đại học, tay nghề cao, tập trung ở các bệnh viện lớn như Đức Giang, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông... Các nhân viên y tế nghỉ việc có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do tác động bởi 2 năm vất vả gồng mình chống dịch Covid-19, nhưng thu nhập giảm sút vì nhiều cơ sở y tế giảm nguồn thu.

 

Cạnh tranh bình đẳng

Nhân lực y tế dịch chuyển từ công sang tư. Đối với y tế tư nhân, đây là tín hiệu tích cực, giúp họ nâng vị thế và lấy được niềm tin của người dân. Ngược lại, với y tế công lập, đây là mất mát lớn. Một giám đốc bệnh viện lớn ở Hà Nội tâm sự rằng, ông đang rất lo lắng về việc các cơ sở y tế tư nhân “câu” mất nhân lực có kinh nghiệm tại bệnh viện.

Ông than thở về khó khăn của bệnh viện công hiện nay và cho rằng, bản thân lực bất tòng tâm. “Bệnh viện không thể đủ kinh phí để trả lương cao như bệnh viện tư, nên nếu các bác sĩ có lựa chọn rời bỏ thì cũng dễ hiểu”, vị này đau xót.

Dẫu biết niềm vui của người này đôi khi là nỗi buồn của người khác, song theo một số chuyên gia y tế để thực tế này không trở thành rào cản cho sự phát triển của ngành y, cần có những chính sách để lực lượng y bác sĩ được cải thiện môi trường làm việc, thu nhập và cả những chính sách về hoạt động khám chữa bệnh, nhằm đảm bảo nhân lực phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kiến nghị, muốn bác sĩ ở lại, cống hiến trong khu vực công, thì phải tạo ra được môi trường minh bạch trong bệnh viện. Đồng thời, để thu hút các bác sĩ mới tốt nghiệp ra trường, Nhà nước cần có chính sách nâng mức lương khởi điểm ngay từ đầu cho họ (do ngành y có quá trình học tập rất lâu, từ 6-7 năm trở lên). Riêng khu vực công lập cần tạo cơ hội đào tạo, thường xuyên nâng cao chuyên môn cho các bác sĩ ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp…

Cả y tế công và tư đều có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhân lực chất lượng cao thì ở đâu cũng cần, nhưng điều cần thiết hơn lúc này là làm sao có một cơ chế, chính sách phù hợp để y bác sĩ bệnh viện công yên tâm công tác và y tế tư nhân có nguồn nhân lực chất lượng cao bền vững.

Với môi trường làm việc tốt hơn, trả lương cao hơn, bệnh viện tư đang thu hút không ít nguồn lực từ bệnh viện công

Tin liên quan
Tin khác