Ngân hàng - Bảo hiểm
Làn sóng M&A từ xứ sở kim chi vào M&A ngân hàng Việt
Thùy Liên - 26/03/2018 07:56
Thắng lợi của nhiều ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam khiến các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc quan tâm đặc biệt đến thị trường hấp dẫn này. Cách thức đầu tư được nhiều nhà đầu tư tính đến nhất là mua bán, sáp nhập (M&A).
TIN LIÊN QUAN

Keb Hana chuẩn bị mua BIDV

Theo thông tin của ông Lê Việt Dũng, Phó trưởng ban Giám sát tài chính tổng hợp quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), Tập đoàn tài chính Hana (KEB Hana Bank) của Hàn Quốc đang chuẩn bị mua cổ phần của Ngân hàng BIDV. Đây là lần đầu tiên, một đại diện của cơ quan chức năng Việt Nam xác nhận thông tin này. Trước đó, báo chí Hàn Quốc cho hay, KEB Hana có thể mua 15% cổ phần BIDV nếu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận.

.

Như vậy, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc với lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam chưa dừng lại. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 nhà đầu tư Hàn Quốc thâu tóm thành công 2 công ty tài chính trên thị trường Việt Nam: Shinhan Card mua lại Prudential Finance và Lotter Card mua lại Techcombank Finance. Tính cả KEB Hana, thì năm 2018, ít nhất thị trường tài chính Việt Nam sẽ đón thêm 3 tân binh từ xứ kim chi.

Ông Lim Se HEE, Giám đốc Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc thừa nhận, các ngân hàng và công ty tài chính Hàn Quốc đang bị thu hút mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.   

Thực tế, ngay cả các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng rất lạc quan về tiềm năng phát triển của thị trường. Đưa ra lời khuyên cho các “đồng hương” quê nhà, ông Seo Jae Seok, Giám đốc Woori Bank khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực trong tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II, áp dụng Basel II để lành mạnh hóa môi trường ngân hàng và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài, điều này mở ra cơ hội nhiều hơn cho các nhà đầu tư.

Nói về cách thức đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam, bà Hong Seong Mi, luật sư của Công ty Lee & Ko Law Firm, chuyên tư vấn cho nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam khuyến cáo, sắp tới, việc cấp phép thành lập ngân hàng ở Việt Nam sẽ khó khăn hơn, nên các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam cần quan tâm đến hình thức M&A.

“Thị trường tài chính Việt Nam rất tiềm năng, song nhà đầu tư nước ngoài lại bị giới hạn tỷ lệ sở hữu không được quá 20%. Dù vậy, Chính phủ đã cho phép nhà đầu tư được mua lại 100% vốn ngân hàng yếu kém”, bà Hong Seong Mi khuyến cáo.

Đối thủ đáng gờm

Hiện tài chính kỹ thuật số đang phát triển bùng nổ ở Hàn Quốc. Nhiều ngân hàng như K- Bank, Kakao Bank cho phép khách hàng giao dịch không cần trợ giúp của con người. Shinhan, Woori và các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc khác cũng muốn nhanh chóng phủ sóng thị trường Việt Nam nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

Đơn cử, Shinhan Card vừa mua lại Prudential Finance, nhưng đã sớm bày tỏ tham vọng công phá thị trường cho vay tiêu dùng. Ông Lee Je Chul, Giám đốc Shinhan Card cho hay, doanh số thanh toán một năm của Shinhan Card là 9.000 tỷ won (tức khoảng 180.000 tỷ đồng).

Việc thành lập ngân hàng ở Việt Nam sẽ khó khăn, nên doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào hệ thống ngân hàng cần quan tâm đến hình thức M&A.

“Chúng tôi luôn có sự chuẩn bị thích hợp, sẽ liên tục ứng dụng các công nghệ số để tạo ra nhiều tiện ích, phục vụ khách hàng 24/7. Chúng tôi cũng có ‘định dạng’ phù hợp để phát triển tại thị trường Việt Nam”, ông Lee Je Chul cho biết.

Về phía nhà đầu tư, ông Shin Dong Min, CEO Shinbank Việt Nam - một trong những ngân hàng nước ngoài thành công nhất tại Việt Nam khẳng định: “Mảng bán lẻ ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội, bắt nhịp rất nhanh với kỹ thuật số. Do đó, chiến lược của chúng tôi là tập trung phát triển bán lẻ song song với đầu tư kỹ thuật số. Các ngân hàng Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm về ngân hàng số, cộng thêm sự tương đồng văn hóa là lợi thế lớn khi đầu tư vào Việt Nam”. 

Với sức mạnh công nghệ, cộng với làn sóng đầu tư rầm rộ, các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc thực sự đang trở thành đối thủ đáng gờm trên thị trường tài chính Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác