Theo quy hoạch của Bộ Công thương, lĩnh vực bán lẻ sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến 2020. Dự kiến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.
Thị trường bán lẻ rộng lớn như vậy, nhưng để sống khỏe được trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng hiện nay là không đơn giản. Thậm chí, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) còn chưa chính thức hoạt động, sức nóng của thị trường này đã phả rát mặt các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Và ngay từ lúc này, khi áp lực cạnh tranh chỉ mới bắt đầu, thì nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã lao đao.
Ông Trần Tấn Đạt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Quân Đạt (ngồi giữa) đang cùng các chuyên gia phân tích kế sách |
Mọi chuyện bắt đầu từ lúc hoạt động kinh doanh của chuỗi siêu thị nhỏ của một doanh nghiệp bán lẻ ở TP.HCM liên tục sụt giảm do gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ ngoại mới thâm nhập thị trường. Công ty buộc phải đóng cửa một số siêu thị, số còn lại hoạt động cũng không khả thi. Tuy hoạt động yếu kém, song một đối tác nước ngoài lại đến đặt vấn đề muốn mua lại hoặc hợp tác nhằm giúp công ty thoát khỏi “hố đen” này. Điều này cũng đặt công ty vào nguy cơ rất lớn bị đối tác nước ngoài thâu tóm.
CEO (cũng là một cổ đông của công ty) và các cổ đông đã bàn bạc và tìm giải pháp cho vấn đề, nhưng họ lại không tìm được tiếng nói chung khiến mọi chuyện trở nên rối rắm. CEO muốn công ty vẫn theo đuổi nghề kinh doanh siêu thị bằng cách tìm được sự khác biệt ở thị trường ngách, tận dụng ưu thế về địa điểm. Trong khi đó, các cổ đông lại muốn công ty bỏ mảng bán lẻ, chuyển sang bán sỉ cho các siêu thị khác và liên kết với đối tác ngoại đang có nhu cầu với công ty.
CEO nhận thấy, nếu theo lựa chọn của các cổ đông, công ty sẽ đánh mất một tài sản lớn là giá trị thương hiệu cũng như các lợi thế của người chiếm lĩnh thị trường gần 20 năm. Hơn nữa, thay đổi như vậy sẽ tạo ra biến động lớn về nhân lực của công ty cùng những rủi ro khó lường, mà vẫn phải cạnh tranh với chuỗi cung ứng sẵn có của các đối thủ cạnh tranh khi họ thâu tóm thị trường bán lẻ.
Sau khi theo dõi cuộc tranh luận giữa CEO và các cổ đông trong công ty trên sóng của VTV1 lúc 10h sáng 26/4 vừa qua, giới kinh doanh đang có nhiều quan điểm đồng tình với ý kiến của CEO.
Theo bạn Minh Ánh (Hà Nội), để làm nhà bán sỉ mạnh như các cổ đông mong muốn thì cần có thế mạnh về nguồn hàng chất lượng, ổn định, giao hàng kịp thời, tính toán được dự trữ hàng tốt, nguồn vốn lớn do dự trữ hàng bán buôn lớn, đặc biệt là dự báo được nhu cầu để dự trữ trước một bước, khả năng quản lý công nợ và dòng tiền cần phải tốt.
Bạn Phạm Kiên cũng nghiêng về ý kiến của CEO: “Tôi thấy CEO định hướng công ty đi theo con đường tiếp tục bán lẻ, quyết không rời thị trường là đúng. Song CEO mới chỉ nêu ra quan điểm chung, chưa nêu ra chiến lược cụ thể sắp tới cần làm những bước gì, dựa trên đánh giá và phân tích như thế nào…”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, CEO cần vạch ra chiến lược rõ ràng hơn nếu muốn né được chiêu bị thâu tóm dưới bàn tay của đối tác ngoại. Còn chuyển từ bán lẻ sang bán buôn nghĩa là từ bỏ tất cả những thứ có được trong 20 năm qua, để chuyển sang một lĩnh vực chưa có kinh nghiệm.
Như vậy, dư luận đang đứng về phía CEO, song CEO khó có thể thực hiện được chiến lược này, nếu vẫn bị các cổ đông phủ quyết. CEO cần tìm đến các chuyên gia để có được những lý lẽ hoàn chỉnh, chắc chắn hơn để bảo vệ được quan điểm của mình, từ đó thuyết phục được các cổ đông.
Ông Thái Quốc Minh, thành viên thường trực HĐQT Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex – Viettel (VVFinance) và TS. Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô miền Bắc sẽ giúp CEO vào Chủ nhật tuần này.