Dự án Làng Đại học Đà Nẵng kéo dài 27 năm, gây bức xúc cho người dân trong vùng quy hoạch. |
500 trường hợp xây dựng trái phép
Dự án Xây dựng Khu đô thị Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc (gọi tắt là Dự án Làng Đại học Đà Nẵng), do Đại học Đà Nẵng là chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 tại Quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg ngày 9/12/1997, với tổng diện tích khoảng 300 ha; trong đó, khoảng 110 ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) và khoảng 190 ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Tuy nhiên, đến nay, Dự án mới triển khai được một phần thuộc địa phận TP. Đà Nẵng. Việc Dự án kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội và xây dựng tại địa phương.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, tính đến ngày 17/7/2024, Dự án mới triển khai 1,02 ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi đường bao Làng Đại học. Tuy nhiên, việc triển khai mới dừng lại ở công tác đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư, còn các hộ ảnh hưởng bởi đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại và chưa có kế hoạch di dời.
- UBND thị xã Điện Bàn
Hồ sơ Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của Dự án tại khu vực TP. Đà Nẵng đã được Đại học Đà Nẵng trình UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 5080/QĐ-UBND ngày 24/12/2020. Tuy nhiên, đến nay, Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của Dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được Đại học Đà Nẵng hoàn thành công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, do quy hoạch Dự án Làng Đại học Đà Nẵng “treo” nhiều năm, nên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực không được đầu tư, nâng cấp.
Cụ thể, từ khi công bố Dự án Làng Đại học Đà Nẵng, địa phương không thể đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn, chỉ có một tuyến đường bê tông rộng 3 m dài khoảng 1,7 km; còn lại là đường đất; hiện trạng đường dây, trụ điện khu vực Khối phố Câu Hà (nằm trong Dự án Làng Đại học) xuống cấp nghiêm trọng, các trụ điện chữ H, đường dây điện bị nghiêng ngả, thường xuyên xảy ra sự cố, nguy cơ xảy ra tai nạn điện rất cao, nhất là trong mùa mưa bão, nhưng cũng không thể đầu tư cải tạo, nâng cấp; các công trình văn hóa, thể dục - thể thao chưa được đầu tư xây dựng; nhà trẻ, trường mẫu giáo tạm bợ...
Về tình hình quản lý đất đai, từ năm 1997 đến nay, người dân ở khu vực này không được thực hiện một số quyền được luật pháp cho phép như lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất... và không được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa; chỉ đến khi Luật Xây dựng năm 2013 có hiệu lực, các hộ dân trong khu vực mới được cấp phép xây dựng có thời hạn trong phạm vi đất thuộc Dự án Làng Đại học Đà Nẵng.
Theo kết quả tổng rà soát do UBND thị xã Điện Bàn và Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Nam) phối hợp thực hiện, từ năm 2009 đến nay, tại đây có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép với tổng diện tích đất gần 5 ha. Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý, nhưng tình hình an ninh trật tự tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện và nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh - trật tự tại địa phương.
“Số lượng nhân khẩu không đăng ký lưu trú tại khu vực ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tại đây có 2 trường (Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng và Đại học Việt - Hàn) với số lượng học sinh, sinh viên đông; số lượng sinh viên này thường thuê trọ tại các khu vực lân cận, trong đó có các công trình xây dựng trái phép, gây rất nhiều khó khăn trong công tác theo dõi, quản lý của cơ quan chức năng. Dự án kéo dài trong nhiều năm khiến công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Việc cư trú, lưu trú, tạm trú tại khu vực Dự án rất phức tạp, nên việc nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng tội phạm và vi phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn”, một lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn cho hay.
Chia sẻ vấn đề này, ông Phan Quang Quốc Huy, Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cho biết, từ khi Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch (năm 1997) đến nay, quyền sử dụng đất của người dân bị hạn chế về đăng ký biến động xác định đất ở theo Điều 103, Luật Đất đai, không được tách thửa để chuyển quyền sử dụng đất, nên nhiều thế hệ chung sống và xây dựng nhà ở trên một thửa đất thổ cư.
Đề xuất 2 phương án xử lý
Trong phương án Quy hoạch chi tiết 1/500 do Đại học Đà Nẵng đề xuất, chỉ để vệt dân cư dọc tuyến đường ĐT607 (khoảng 10,92 ha) và một số khu vực mồ mả trong ranh giới Dự án Làng Đại học Đà Nẵng (khoảng 8,8 ha). Vì vậy, diện tích cần giải phóng mặt bằng theo phương án quy hoạch đề xuất là 170,28 ha.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn, với diện tích cần giải phóng mặt bằng theo phương án quy hoạch nêu trên, có 1.845 hộ bị ảnh hưởng, với tổng số lô cần bố trí tái định cư là 3.155 lô.
Đối chiếu theo các quy định tại QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, thì tổng diện tích quỹ đất cần để bố trí cho 3.155 lô nêu trên khoảng 100 ha (chưa tính đến việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi chính Dự án Đầu tư xây dựng Khu tái định cư Làng Đại học Đà Nẵng).
Căn cứ thuyết minh quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng được ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 9/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tại Mục 8.1.2, phương án tái định cư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được quy hoạch vào Khu dân cư, đô thị hành chính Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - nay đổi tên thành Quy hoạch Khu đô thị Tây 607 - với diện tích khoảng 100 ha, nằm tiếp giáp với khu vực quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng.
Đồ án Quy hoạch Khu đô thị Tây 607 đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 11/5/2020; đồng thời, tại khoản 4, Điều 1, Quyết định trên nêu rõ, mục tiêu Đồ án là phục vụ yêu cầu tái định cư Dự án Làng Đại học Đà Nẵng; xác lập không gian, quỹ đất đáp ứng yêu cầu hình thành Trung tâm Hành chính phường Điện Ngọc.
Căn cứ theo Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 31/3/2023, nhiệm vụ quy hoạch Khu đô thị Tây 607 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 11/5/2020, UBND thị xã Điện Bàn đề xuất quỹ đất bố trí tái định cư khoảng 163,8 ha (phía Bắc giáp TP. Đà Nẵng và dân cư hiện trạng; phía Nam giáp đất lúa; phía Đông giáp dân cư hiện trạng và đất lúa; phía Tây giáp sông Tứ Câu).
UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, với phương án mà chủ đầu tư đề xuất quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nêu trên thì gần như phải giải tỏa trắng hiện trạng (170/190 ha), dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn.
Đồng thời, để thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thì phải cơ bản hình thành khu tái định cư để người dân có thể ổn định và chi phí đầu tư khu tái định cư với quy mô diện tích đề xuất nêu trên là rất lớn.
Cụ thể, suất vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện Khu tái định cư cho Làng Đại học với diện tích 163,8 ha nêu trên (bao gồm các chi phí xây dựng, thiết bị, quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn đầu tư xây dựng và các khoản chi phí khác, chưa tính đến chi phí giải phóng mặt bằng) dự kiến hơn 1.175 tỷ đồng (theo Quyết định số 510/QĐ-BXD ngày 19/5/2023 của Bộ Xây dựng về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2022). Đồng thời, đây là công trình Nhóm A, thời gian thực hiện là 5 - 6 năm (theo quy định của Luật Đầu tư công 2019).
Báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam mới đây, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nêu 2 phương án xử lý.
Với phương án thứ nhất, bà Hằng nhấn mạnh, để đảm bảo tính khả thi trong việc đầu tư và thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt (như theo phương án chủ đầu tư đề xuất là giải phóng mặt bằng trắng 170/190 ha), UBND thị xã Điện Bàn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có kế hoạch phân bổ vốn để thực hiện, trước tiên là phân bổ nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư để có cơ sở thực hiện việc giải tỏa trắng 170 ha tại khu vực Làng Đại học Đà Nẵng như chủ đầu tư đề xuất.
Phương án thứ hai, qua khảo sát của UBND thị xã Điện Bàn, trong khu vực Dự án Làng Đại học Đà Nẵng thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, UBND thị xã Điện Bàn có khoảng 50 ha có khả năng thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, nên xem xét, ưu tiên đầu tư.
Cụ thể, phạm vi nghiên cứu là Khối phố Tứ Hà và Câu Hà (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Với tổng chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 333,8 tỷ đồng, vốn đầu tư xây lắp và thiết bị là 482 tỷ đồng, tổng mức đầu tư cho diện tích 50 ha này dự kiến là 815,8 tỷ đồng.
Do đó, UBND thị xã Điện Bàn kiến nghị, đề xuất, trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, thì đề nghị UBND tỉnh tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50 ha nêu trên; phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới Dự án Làng Đại học Đà Nẵng để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực; đồng thời, hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng Đại học Đà Nẵng.
“Dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã kéo dài 27 năm, gây bức xúc trong chính quyền địa phương và nhân dân. Vì vậy, nếu cấp thẩm quyền không chấp thuận chủ trương thực hiện một trong 2 kiến nghị đề xuất nêu trên, thì UBND thị xã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền dừng Dự án để người dân tại khu vực được thực hiện các quyền liên quan về đất đai, xây dựng, ổn định đời sống”, đại diện UBND thị xã Điện Bàn đề xuất.