Chuyển động thị trường
Lắng nghe dân, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023
Nguyễn Lê - 02/01/2023 09:41
Ngày mai (3/1/2023), khi bộ máy công quyền bắt tay vào công việc đầu tiên của năm mới, cũng là thời điểm Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến nhân dân.

Công việc hệ trọng này sẽ được hoàn thành ở mức độ nào phụ thuộc rất lớn vào việc ý kiến xác đáng của nhân dân được tiếp thu ra sao.

Thực tế thi hành Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ngay từ quy định về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai 

1.

Tết này bước sang tuổi 90, song bà Lê Thị Dư ở phường Quán Triều (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn chưa quên những nhọc nhằn chồng chất trong hành trình ròng rã hàng chục năm trời cả đại gia đình bà đeo bám để giải quyết chuyện đất đai.

Dù chẳng có tranh chấp với ai, nhưng ở thời điểm hai chục năm trước, bà và gia đình 4 người con đều đã dựng vợ, gả chồng được bà chia đất làm nhà riêng vẫn không thể làm nhà kiên cố trên chính mảnh đất của mình. Nguồn cơn là vì cán bộ cơ sở không thừa nhận sự hợp pháp của toàn bộ mảnh đất hơn 1.000 m2 nằm ven Quốc lộ 3 của gia đình bà. Gửi đơn lên thành phố, lên tỉnh, bà cũng được trả lời tương tự.

Thế nhưng, nghiên cứu pháp luật về đất đai, gia đình bà không đồng tình với cách giải quyết của cơ quan chức năng. Bấy giờ, nóng lòng vì cứ mùa mưa là nước tràn hết vào những ngôi nhà tạm, con cháu phải đi thuê nhà chỗ khác, bà Dư nhờ một người quen thạo về pháp luật “lo” giúp, nhưng ròng rã cả chục năm vẫn bặt vô âm tín.

May mắn là sau đó, vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, sau khi nhận đơn của gia đình bà, đã chuyển cho Thanh tra tỉnh xem xét lại một cách thấu tình đạt lý, bà mới có thể xây ngôi nhà tử tế trên chính mảnh đất của mình, sau mấy chục năm ròng tốn bao công sức và cả tiền của.

Thế nên, vừa rồi nghe ti vi nói chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Luật Đất đai, bà bảo các con, các cháu chịu khó đọc dự thảo, không góp được ý kiến thì cũng có thêm hiểu biết để sau này chẳng may có vướng mắc gì, cũng biết đường “kêu” cho đúng chỗ, kẻo tiền mất tật mang.

2.

Tiếc rằng, câu chuyện của gia đình bà Dư không phải là cá biệt. Những khiếu kiện dai dẳng, những xô xát đáng tiếc, nước mắt và cả máu cũng đã đổ trong nhiều tranh chấp đất đai.

Tất nhiên, nhiều vụ việc trong số đó có nguyên do cả từ nhận thức, hiểu biết pháp luật của người sử dụng đất, cả sự cố tình vi phạm của cán bộ ở nhiều cấp, nhưng không thể phủ nhận nguyên nhân từ những bất cập của Luật Đất đai hiện hành.

Đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ ra rất nhiều bất cập, hạn chế, ngay từ quy định về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai.

Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 đã có một chương quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, trong đó đã quy định về quyền của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu về đất đai và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai.

Tuy nhiên, các quy định ở chương này chưa bảo đảm sự tách bạch và minh định trách nhiệm chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Đây là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lạm quyền, tiêu cực trong việc quyết định số phận pháp lý của đất đai, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.

Mặt khác, quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai trên thực tế cho thấy, theo quy định, Nhà nước có rất nhiều quyền (quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; quyết định giá đất; quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai...), nhưng thực chất lại chưa thực sự quản lý chặt chẽ được đất đai.

Một số quyền định đoạt của Nhà nước về thu hồi đất, về quyết định giá đất... chưa được thực hiện tốt tại một số địa phương; phân cấp thẩm quyền trong quản lý đất đai giữa Trung ương và địa phương còn bất cập, tồn tại do còn chưa thống nhất với phân cấp thẩm quyền của các ngành lĩnh vực khác (như thẩm quyền giao, cho thuê khu vực biển; giao, cho thuê rừng…).

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa được kịp thời tháo gỡ, một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước...

Và còn nhiều, rất nhiều vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo khác, khó có thể kể hết.

3.

Thế nên, không phải vô cớ mà từ nhiệm kỳ trước của Quốc hội, ròng rã nhiều kỳ họp, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai đều được nêu trước nghị trường. Đến nay, Luật Đất đai (sửa đổi) được xác định là nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ này, bởi độ phức tạp, nhạy cảm, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.

Thế nên, ngoại trừ Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, thì chỉ có Luật Đất đai mới tổ chức lấy ý kiến nhân dân với một kế hoạch riêng. Và dự thảo được lấy ý kiến nhân dân cũng đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư, với hầu hết những điểm mới của lần sửa đổi này vẫn còn đang gây tranh luận với quan điểm nhiều chiều.

Vì thế, việc tổ chức lấy ý kiến sẽ không chỉ đơn giản là công bố công khai dự thảo và tạo ra những kênh để nhân dân góp ý. Mà đầu tiên là phải cung cấp tối đa thông tin, thậm chí phải tổ chức các buổi báo cáo theo chuyên đề để người dân hiểu được lần này có những chính sách nào được sửa đổi, sửa như thế nào và sẽ tác động ra sao đến quyền và nghĩa vụ của từng người, từng gia đình.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, để lắng nghe được ý kiến nhân dân, không nên chỉ mời đại diện, mà phải trực tiếp đến từng tổ dân phố nghe dân nói, đặc biệt là để người dân ở những vùng mà hiện đang có vướng mắc, có khiếu kiện được góp ý. Qua đó, sẽ biết được là cái gì thực tiễn đang đòi hỏi để việc sửa đổi sát với thực tiễn.

Đặc biệt, ông Tạ Văn Hạ cho rằng, Dự thảo cần hết sức tránh chuyện “tu từ”, câu chữ nghe có vẻ rất hay, nhưng dân đọc lại không hiểu được, phải chờ nghị định, chờ thông tư. Thế nhưng, nhiều khi luật thì mở, mà nghị định và thông tư lại khép.

Theo Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, trong việc lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sự vào cuộc của cơ quan báo chí cũng rất quan trọng. Các báo điện tử có thể mở diễn đàn để bàn sâu một số chính sách mới được người dân và doanh nghiệp quan tâm. Báo chí cũng có thể mở cuộc bình chọn về những phương án đang gây tranh cãi. Đó là kênh thông tin rất hữu ích cho người làm chính sách, trong đó có các nhà lập pháp.

Tại Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các mốc quan trọng

Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023.

Chính phủ gửi hồ sơ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4/2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với những vấn đề quan trọng, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án (dự kiến tháng 4 -5/2023).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo việc chỉnh lý, xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, trình Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023).

Tin liên quan
Tin khác