Ứng viên Lê Thị Nga tiếp xúc cử tri tỉnh Hà Nam - (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam) |
Đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai là một trong tám nội dung lớn trong chương trình hành động của ứng viên đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khoá XIV.
Bà Nga được phân bổ ứng cử tại Hà Nam, Đơn vị bầu cử số 2 gồm Thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân, huyện Kim Bảng. Nhiệm kỳ trước bà ứng cử tại Thái Nguyên.
Là một trong số rất ít các đại biểu đương nhiệm đã có 5 nhiệm kỳ - gần 25 năm đại biểu Quốc hội, trong 25 năm đó, nữ đại biểu có 10 năm là Phó Chủ nhiệm Ủy ban, hơn 5 năm là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều vướng mắc
Lần thứ sáu ứng cử Quốc hội bà Nga hứa nếu trúng cử sẽ đi sâu, đi sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thể hiện ý chí, nguyện vọng mà cử tri đã tin tưởng giao cho để giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ của Quốc hội là: Xây dựng luật, Quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, và giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó tập trung hơn vào 8 nội dung lớn.
Với nội dung lớn thứ nhất là phát triển kinh tế - xã hội với phòng chống dịch bệnh, bà Nga nêu rõ, tập trung các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, điển hình là dịch Covid - 19 hiện nay không chỉ là vấn đề sống còn của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới. Việt Nam đã bước đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, tuy nhiên, trong những ngày gần đây dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở một số địa phương, trong đó có Hà Nam. Tỉnh Hà Nam đã có những giải pháp rất quyết liệt, kịp thời, nhưng dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn.
"Nếu được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến cùng Quốc hội, Chính phủ thực hiện các giải pháp hiệu quả để vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sinh kế cho người dân" - bà Nga nêu trong chương trình hành động.
Đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai là nội dung lớn thứ hai trong chương trình hành động của ứng viên Lê Thị Nga. Theo bà, đất đai là một nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Luật Đất đai đã có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, thực tiễn thi hành cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn.
"Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đất đai nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, phát huy tốt nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có Hà Nam" , bà Nga hứa với cử tri.
Sửa Luật Đất đai cũng là vấn đề được nhiều cử tri từ bắc tới nam đề cập trong quá trình tiếp xúc với các ứng viên đại biểu Quốc hội. Và thông điệp từ lãnh đạo Chính phủ, từ Chủ tịch Quốc hội là dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét nội dung này vào năm 2022.
Các nội dung lớn còn lại được bà Nga đề cập tại chương trình hành động liên quan đến các vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, về chính sách cán bộ cơ sở, về bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em phát triển. Và nội dung thứ tám là về thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam - nơi bà ứng cử.
Tăng cường quản lý đất đai
Cũng đề cập đến vấn đề nóng là đất đai trong chương trình hành động, song ứng cử viên Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam hứa sẽ tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, thực hiện tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Ông Huy là một trong ba Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ứng cử lần này (hai vị còn lại là Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và Ninh Thuận).
Lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Huy cho biết với nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội dự kiến chương trình hành động gồm 5 nội dung lớn.
Thứ nhất: Tập trung nghiên cứu, học tập, cập nhật, tích lũy kiến thức, chủ động tiếp cận và nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức người cán bộ đảng viên, thực sự trung thành với Tổ quốc, hết lòng phục vụ Nhân dân.
Thứ hai: Thực hiện đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội theo quy định như tham gia xây dựng pháp luật, tham gia các hoạt động giám sát, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, gắn bó mật thiết, chặt chẽ với cử tri, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, trăn trở, bức xúc của Nhân dân, của cử tri địa phương để phản ánh đầy đủ, trung thực, kịp thời với Quốc hội.
Thứ ba: Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế của tỉnh Hà Nam từ đó kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những giải pháp, chính sách phù hợp với địa phương để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hà Nam trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư: Thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri đúng quy định và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình, của Quốc hội; đẩy mạnh theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề, giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương, trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước mà hiện nay Nhân dân đang quan tâm như các chính sách về đầu tư, đất đai, chính sách về việc làm cho người lao động, chính sách về y tế, giáo dục, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
"Với trách nhiệm là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và là người đại biểu của Nhân dân, tôi sẽ cùng với tập thể Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh phát huy tối đa nội lực, khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh" - ông Huy nêu nội dung thứ 5.
Việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử sẽ kết thúc chậm nhất 24h trước ngày bầu cử, tức 7h ngày 22/5/2021. Ngày 23/5 cử tri cả nước sẽ bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XV.