Ảnh minh họa. |
Mỗi giai đoạn sẽ có mục tiêu khác nhau
Khi nộp hồ sơ tham gia Hult Prize vào năm 2020, cuộc thi khởi nghiệp thường niên dành cho sinh viên trên toàn thế giới, Dự án Pando (chuyên nghiên cứu vật liệu xây dựng làm từ rác thải nhựa để sản xuất ngói nhà và gạch lát nền) còn chưa có sản phẩm hoàn thiện.
Nguyễn Phan Thiên Lãm, một trong 7 tác giả là sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nghiên cứu dự án này cho biết, Pando chỉ mang đến cuộc thi kết quả nghiên cứu.
“Sẽ có vị giám khảo cho rằng, dự án này không mới, nhưng họ nhận định, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển và đánh giá cao sự kiên trì của chúng tôi khi dành nhiều thời gian để nghiên cứu”, Thiên Lãm chia sẻ. Đồng tác giả của Pando cho biết, thông qua cuộc thi, đội ngũ rất mong muốn tìm kiếm được người bạn đồng hành với Dự án.
Trong giai đoạn đầu phát triển, nhóm nghiên cứu Pando tìm kiếm những nguồn lực hỗ trợ ở trong nước. Bởi, họ hiểu rõ khả năng của bản thân còn yếu về ngoại ngữ và đây sẽ là điểm nghẽn khi trình bày về Dự án với nhà đầu tư nước ngoài. Nếu cùng ngôn ngữ, việc trao đổi chắc chắn sẽ dễ dàng hơn.
“Trong quá trình tham gia cuộc thi, chúng tôi còn được hướng dẫn nhiều về quản trị, marketing, xây dựng đội ngũ để áp dụng ngay vào Dự án. Đó là những giá trị mà nếu không tham gia, chắc chắn tôi sẽ mất nhiều thời gian hơn để học hỏi”, Thiên Lãm bày tỏ.
Khi chọn tham gia các cuộc thi có cùng mục tiêu với dự án, doanh nghiệp tạo tác động xã hội thường nhận được nhiều hơn là mất. Võ Quốc Thảo Nguyên, đồng sáng lập thương hiệu ống hút cỏ GreenJoy cũng khẳng định như vậy.
Nguyên cho biết, sau khi tham gia cuộc thi EPPIC do UNDP tổ chức, bên cạnh giải thưởng là 18.000 USD, doanh nghiệp còn nhận được nhiều lời mời từ các quỹ đầu tư cũng như đối tác. Những bài viết về GreenJoy được xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông và tất cả đều miễn phí.
Các nhà sáng lập GreenJoy và Pando đều nhận thấy, trong quá trình tham gia các cuộc thi, họ được đào tạo nhiều hơn và có thêm nguồn lực hỗ trợ giải quyết những khúc mắc mà dự án đang gặp phải. Ngoài ra, họ còn được giao lưu, kết nối với những dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội khác và có thể hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Lắng nghe trong quá trình tham gia
Thời gian qua, có rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức tại Việt Nam, song các cuộc thi tập trung vào sáng kiến tạo tác động xã hội nói riêng thì số lượng còn hạn chế.
Đây cũng là lý do khiến bà Phạm Kiều Oanh, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cùng đội ngũ vận hành nỗ lực duy trì các cuộc thi như Én Xanh đều đặn 2 năm 1 lần để các doanh nghiệp tạo tác động xã hội có sân chơi, cơ hội cọ sát.
Bà Oanh cho biết, có hơn 70% doanh nghiệp sau 2 - 3 năm tham gia các cuộc thi của CSIP vẫn tiếp tục phát triển và tỷ lệ này cao hơn so với mức trung bình của các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung. Tại các cuộc thi của CSIP, doanh nghiệp được trao cơ hội để có thể huy động các nguồn lực.
Tuỳ vào giai đoạn phát triển của dự án, mỗi công ty khởi nghiệp sẽ có những kỳ vọng riêng khi đến với các cuộc thi. Ở giai đoạn đầu, chủ dự án có thể đặt mục tiêu học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức trong kinh doanh cũng như ghi nhận các ý kiến đánh giá về tính khả thi của mô hình.
Đối với doanh nghiệp đã phát triển được một thời gian, họ kỳ vọng thông qua các cuộc thi, dự án của mình sẽ được nhiều người biết đến hơn và được nhiều nhà đầu tư “để mắt” đến hơn.
“Mục tiêu cao nhất không phải là chứng tỏ bản thân, mà thông qua cuộc thi, họ có cơ hội học hỏi, cải thiện để có định hướng phát triển trong tương lai. Chính vì thế, chúng tôi luôn trân trọng những người có khả năng lắng nghe”, bà Oanh nói.
Ngoài ra, Giám đốc điều hành CSIP cũng nhấn mạnh, người không thắng giải tại các cuộc thi chưa chắc đã nhận được ít giá trị hơn những người thắng giải. Bởi điều quan trọng là biết lắng nghe trong quá trình tham gia để nhận biết và nắm bắt cơ hội.