Sau 12 năm triển khai Dự án Xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vẫn trong tình trạng dở dang |
Tính đến thời điểm này, sau 12 năm triển khai với hơn 4.300 tỷ đồng đã được chi, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vẫn trong tình trạng dở dang, thậm chí không hẹn ngày hoàn thành. Đây là công trình có thể xem là một trong những ví dụ tiêu biểu của việc sử dụng lãng phí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Trên thực tế, nếu tính cả lãi suất vốn trái phiếu chính phủ đã phải trả trong suốt thời gian qua, cộng với chi phí trông coi, bảo quản vật tư, giá trị bị hao mòn, hư hỏng, chi phí cơ hội do công trình không thể đưa vào khai thác, cùng hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp không thể đưa vào sản xuất… thì tổn thất và lãng phí đầu tư tại Dự án này chắc chắn không dừng ở con số 4.300 tỷ đồng.
Điều đáng lo ngại là, nếu xét trên khía cạnh kinh tế, thì sự thay đổi của hàng loạt yếu tố đầu vào so với phương án tài chính ban đầu, như có nhiều tuyến đường cao tốc song hành, cảng nước sâu được đưa vào khai thác trong giai đoạn Dự án nằm đắp chiếu… đã khiến công trình có tổng mức đầu tư hơn 7.660 tỷ đồng này rất khó hoàn vốn.
Điều này có nghĩa, ngay cả khi dang dở hay chấp nhận bổ sung hàng ngàn tỷ đồng để hoàn thành dứt điểm, thì công trình này vẫn trở thành một gánh nặng cho xã hội.
Rất dễ nhận diện nguyên nhân đẩy công trình từng được kỳ vọng là động lực mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc rơi vào thảm cảnh hiện nay. Đó là dự án bị ảnh hưởng do đình hoãn, giãn tiến độ theo chủ trương cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11/2011/NQ–CP của Chính phủ. Đó là chủ trương đầu tư của Dự án không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành. Đó là quyết định đầu tư Dự án không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn tới công trình dở dang, không có vốn để hoàn thành dứt điểm… Tất cả những nguyên nhân này đều đúng với Dự án và được các cơ quan liên quan nhận diện khá chi tiết trong các kết luận kiểm toán, thanh tra công trình.
Cần phải nói thêm rằng, từ cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đây chính là hai công cụ pháp lý quan trọng để kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tránh tình trạng thất thoát lãng phí như đã diễn ra tại dự án nói trên.
Mặc dù vậy, bài học trong quá trình đầu tư Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân vẫn có giá trị cảnh báo cao do những nguyên nhân - dù được nhận diện và có giải pháp khắc phục - nhưng vẫn có thể lặp lại tại các dự án có vốn đầu tư công quy mô lớn. Những khó khăn trong bố trí vốn tại các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM, vay vốn tín dụng tại các dự án BOT giao thông thời gian qua là những ví dụ rõ nét.
Để khắc phục tình trạng trên, cùng với việc tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể liên quan, góp phần hạn chế lãng phí, thất thoát, cần có thêm chế tài cụ thể và thực hiện triệt để quy định: "Những dự án được quyết định đầu tư mà không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn thuộc ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, làm cho dự án thi công phải kéo dài, gây lãng phí, thì người ký quyết định phải chịu trách nhiệm về những tổn thất do việc kéo dài này gây ra”.
Tương tự, các cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát cần có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời một số ngành, địa phương chậm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản, không đợi đến khi "việc đã rồi" như trước. Với những dự án thi công chậm tiến độ, kém chất lượng hoặc để chi phí phát sinh vượt tầm kiểm soát, làm đội dự toán, đội tổng mức đầu tư, cần sớm làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu.
Việc rốt ráo triển khai các biện pháp nêu trên sẽ góp phần đảm bảo tiêu chí, tiến độ thi công, hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí tại nhiều dự án, đặc biệt là dự án lớn.