- Kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi nhiều quy định bất cập trong Dự thảo Luật về môi trường
- Doanh nghiệp “tê cứng” trước Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Bài 1: Phí tái chế làm “tê tái” doanh nghiệp
- Doanh nghiệp “tê cứng” trước Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Bài 2: Chuẩn nội “kinh” hơn chuẩn ngoại, nguy cơ xóa sổ nhà máy
Các hiệp hội đề nghị hoãn lộ trình đóng góp tái chế đến ngày 1/1/2025. |
Gửi thư tới Bộ trưởng vì lo lắng
Cách đây 5 ngày, vào sáng 18/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc làm việc trực tiếp với đại diện hiệp hội doanh nghiệp, đại diện về nội dung Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
11 hiệp hội trong số các hiệp hội tham gia hôm đó đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị xem xét 6 nội dung trong Dự thảo mà các doanh nghiệp cho là quan trọng, cần được xem xét cẩn trọng. Trong đó, có đề nghị đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm; xem xét lại một số quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam; bãi bỏ việc thành lập Văn phòng Trách nhiệm mở rộng của doanh nghiệp (EPR) và Hội đồng EPR; bổ sung khung pháp lý và khung pháp lý phải rõ ràng; điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam...và lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025.
Đây cũng là các nội dung được các hiệp hội đưa ra thảo luận tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ngay tại cuộc làm việc, Bộ trưởng đã có những tiếp thu và chỉ đạo hoàn thiện sửa đổi 7 nhóm vấn đề cho 4 nội dung lớn, gồm cấp phép, quan trắc, thủ tục hành chính và trách nhiệm mở rộng.
Trong đó, việc bãi bỏ quy định về thành lập Văn phòng EPR khiến nhiều doanh nghiệp vui mừng.
“Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội chúng tôi, đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam, xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng. Các hiệp hội luôn ủng hộ và cam kết việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để các ngành hàng không chỉ hội nhập tốt hơn, cải thiện môi trường sống tốt hơn mà còn là điều kiện sinh tồn cho các thế hệ tương lai”, các hiệp hội viết trong bức thư gửi Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Trong cuộc làm việc sau đó giữa đại diện các hiệp hội và Ban soạn thảo, một số vấn đề theo chỉ đạo của Bộ trưởng đã được các bên thống nhất, chờ Ban soạn thảo đưa ra phương án cụ thể. Tuy nhiên, còn một số vấn đề các hiệp hội cho rằng, Ban soạn thảo chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, nên phải có bức thư này.
Lần này, thay vì 11 hiệp hội đứng tên, bức thư có sự tham gia của 14 hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài.
7 vấn đề đề nghị xem xét kỹ
Trong bức thư gửi Bộ trưởng, các hiệp hội gửi 7 vấn đề được cho là Ban soạn thảo chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo.
Một là, bãi bỏ những nội dung không có trong Luật, không giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo các doanh nghiệp, Dự thảo vẫn giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức tái chế 1 lần/năm không phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường, vì đây là trách nhiệm của Chính phủ. Quy định tiền đóng góp tái chế vẫn được sử dụng cho mục đích khác, ngoài mục đích tái chế cũng được đề nghị bỏ vì không phù hợp với Luật.
Hai là, đề nghị quy định Quỹ Bảo vệ môi trường quản lý việc tái chế theo hợp đồng đấu thầu và thanh toán theo hợp đồng. Loại tái chế nào không có doanh nghiệp tham gia thầu thì Hội đồng sẽ xem xét hỗ trợ.
Ba là, triệt để cải cách thủ tục hành chính về 5 nhóm nội dung, hồ sơ phải đơn giản hóa, số hóa.
Bốn là, áp dụng quản lý rủi ro, những chất có giá trị dễ thu gom thì không quá chú trọng, mà chú trọng những loại khó thu gom, khó xử lý. Cần rà soát để danh sách không giống nhau mà có sự ưu tiên.
Năm là, việc thu hồi phương tiện giao thông phải có cơ sở pháp lý, sản phẩm sau khi thải bỏ thì mới gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp. Hai hiệp hội ô tô, xe máy đề nghị ngồi cùng với ban soạn thảo để đưa ra quy định có thể thực hiện được.
Sáu là, đề nghị đưa các ngành, lĩnh vực có nguy cơ, quy mô ô nhiễm vào danh mục Phụ lục 2. Nếu chưa được làm rõ thì đề nghịbàn kỹ về cơ sở khoa học, với sự tham gia của các hiệp hội.
Bảy là, đề nghị hoãn lộ trình đóng góp tái chế đến ngày 1/1/2025, thay vì 1/1/2024 mà Ban soạn thảo mới đưa ra sau khi có đề xuất của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, khoảng thời gian này để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi sau đại dịch Covid-19, để xây dựng các cơ sở tái chế đáp ứng yêu cầu, đồng thời để Bộ có đủ dữ liệu khoa học để đưa ra các tỷ lệ tái chế bắt buộc và định mức tái chế phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Các hiệp hội cùng ký thư gồm Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Bia - Rượu - nước giải khát Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam.