Tại cuộc gặp ở Lima (Peru) bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), các lãnh đạo TPP tái khẳng định lập trường thúc đẩy quy trình trong nước (như phê chuẩn tại Quốc hội) để hiệp định có thể có hiệu lực, một lãnh đạo cấp cao Nhật Bản cho biết. Dù hiện chưa rõ TPP có thể thông qua hay không dưới thời chính quyền ông Donald Trump, các lãnh đạo vẫn không đề cập đến khả năng thực hiện TPP mà không có sự tham gia của Mỹ.
Đương kim Tổng thống Mỹ - Barack Obama "đã nói về việc ông ủng hộ các hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao như TPP. Nó có thể làm cân bằng sân chơi cho người lao động Mỹ, nâng cao lợi ích và giá trị cho Mỹ trong khu vực năng động về kinh tế và có tầm quan trọng chiến lược như châu Á – Thái Bình Dương", Nhà Trắng cho biết. Ông Obama cũng "thúc giục các lãnh đạo tiếp tục làm việc để thông qua TPP".
Lãnh đạo các nước TPP họp bàn tại hội nghị APEC. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe cũng tuyên bố: "Nếu chúng ta ngừng các động thái trong nước, TPP sẽ chết hoàn toàn. Chúng ta sẽ không thể chống lại chế độ bảo hộ được nữa". Hiệp định này đã được Hạ viện Nhật Bản thông qua hồi đầu tháng, và đang được xem xét tại Thượng viện. Trong cuộc họp, các lãnh đạo TPP cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP, cả về kinh tế và chiến lược, trong việc đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng cho cả khu vực.
Hiệp định này chỉ có thể có hiệu lực nếu được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối. Vì vậy, cả Mỹ và Nhật Bản đều sẽ phải phê chuẩn TPP. Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump luôn tỏ thái độ phản đối và dọa rút Mỹ khỏi hiệp định này. Vì vậy, chiến thắng của ông đã khiến giới phân tích hoài nghi về số phận của TPP.
Hội nghị APEC năm nay được tổ chức tại Peru, kéo dài đến hết ngày 20/11. Tại đây, 21 nền kinh tế sẽ bàn bạc về tầm quan trọng của thương mại tự do và thị trường mở khi thế giới phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, trong khi tăng trưởng thương mại còn yếu.
Trong một bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình cũng cam kết mở cửa kinh tế hơn nữa trong bối cảnh các lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương tìm kiếm giải pháp tự do thương mại mới sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. "Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài, mà sẽ cởi mở hơn nữa. Chúng tôi muốn thành quả của sự phát triển phải được chia sẻ", ông cho biết.