Hội nghị có chủ đề “Doanh nghiệp FDI đồng hành cùng TP. Hải Phòng: Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; kết nối chuỗi cung ứng trong nước và chuỗi cung ứng toàn cầu”, với sự tham dự của 350 doanh nghiệp FDI và 50 doanh nghiệp trong nước.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng đối thoại với các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Thanh Sơn |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng khẳng định: “Cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp và thành phố cùng nhau phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thích ứng bối cảnh trước mắt với nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức. Đây là điều mà thành phố Hải Phòng luôn đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và coi đó như một trong những mục tiêu để hướng tới”.
Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn |
Thông qua Hội nghị, lãnh đạo thành phố lắng nghe đầy đủ những kiến nghị khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp FDI trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó từng bước tìm ra giải pháp thích hợp để tháo gỡ, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh; tạo cầu nối, mở ra thêm cơ hội tìm hiểu, hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hiệp hội và các doanh nghiệp tiêu biểu trong nước có mặt tại Hội nghị.
Kể từ khi mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến nay, các doanh nghiệp FDI luôn là nhân tố đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế cũng như các hoạt động xã hội của TP. Hải Phòng thông qua việc góp phần quan trọng trong gia tăng vốn đầu tư phát triển, đóng góp ngân sách Thành phố, đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu, tạo việc làm cho người lao động với chế độ đãi ngộ tốt gắn với đào tạo, nâng cao năng suất lao động và trình độ kỹ thuật. Bên cạnh đó, với thế mạnh về khoa học công nghệ, khối doanh nghiệp FDI cũng được đánh giá là động lực cho sự phát triển ngành sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ tại Thành phố.
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: “Hải Phòng đã rất chủ động, sáng tạo, có những đột phá, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng là một địa phương tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, Thành phố cũng đã xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, bao gồm đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hải Phòng sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư, là địa bàn chiến lược được nhiều nhà đầu tư quan tâm”.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn |
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong bối cảnh dòng vốn FDI trên toàn thế giới tiếp tục suy giảm và được dự báo tăng trưởng ở mức khiêm tốn, các quốc gia phát triển đều xây dựng hoặc điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư để làm chủ, kiểm soát chuỗi cung ứng, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực trọng yếu như công nghệ cao, bán dẫn, AI,... Bên cạnh đó, các Tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia có xu hướng thận trọng trong quá trình tái cơ cấu, chuyển dịch đầu tư hoặc đưa ra quyết định đầu tư mới.
Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên, tập trung vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn, pin xe điện, các linh kiện, sản phẩm điện tử... Đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, vào những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ một số định hướng chính về việc thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam cần tăng cường môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định; Thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; Phát triển kinh tế xanh và bền vững; Phát triển các khu vực có cơ chế chính sách đặc thù và cải thiện kết nối toàn cầu; Phát triển tài chính số và tài chính xanh.
“Trong thời kỳ mới này, Việt Nam cam kết xây dựng một môi trường đầu tư mở cửa, công bằng và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp FDI. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác sâu rộng với các đối tác quốc tế, không chỉ trong việc thu hút đầu tư mà còn trong việc cùng phát triển các mô hình kinh doanh, công nghệ và tài chính phù hợp với xu hướng toàn cầu”, ông Phương khẳng định.
Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đồng hành cùng với Hải Phòng tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, biến ý tưởng, quyết tâm thành hiện thực, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công.
Đại diện các doanh nghiệp FDI nếu kiến nghị tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Nga |
Tại hội nghị, đã có 5 nhóm lĩnh vực được các doanh nghiệp quan tâm.
Đó là, (1) Lĩnh vực lao động, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đặc biệt là sự thiếu hụt lao động có tay nghề tại các doanh nghiệp FDI cả trong và ngoài khu công nghiệp;
(2) Nhóm lĩnh vực về thuế và hải quan, kiến nghị về tiếp tục chính sách ưu đãi, giảm thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp;
(3) Nhóm lĩnh vực về năng lượng, các doanh nghiệp kiến nghị cung cấp ổn định điện cho các nhà máy, khu công nghiệp, giải quyết tình trạng mất điện bất thường hàng năm gây dừng dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp, làm trì hoãn tiến độ xuất hàng khách hàng;
(4) Về thủ tục hành chính, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính tại các Sở, ngành, đơn vị (ví dụ đối với thủ tục cấp giấy phép xây dựng và thủ tục giao đất) và đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo phương pháp đồng bộ, thống nhất để công chức các cấp, các ngành dễ áp dụng và thực hiện;
(5) Lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp đề nghị thành phố hỗ trợ tạo điều kiện giới thiệu địa điểm phù hợp để triển khai dự án liên quan đến giáo dục.
Đại diện lãnh đạo sở, ngành trả lời trực tiếp một số kiến nghị của doanh nghiệp FDI tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Nga |
Kết luận hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, Thường trực Thành ủy cùng lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương đã được lắng nghe những chia sẻ, đề xuất của các doanh nghiệp FDI đại diện cho hơn 900 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn thành phố thuộc nhiều lĩnh vực. Có một số là vấn đề khó, đã tồn tại và chưa được giải quyết thỏa đáng, có vấn đề mới mà pháp luật Việt Nam hiện đang hoàn thiện.
Đối với các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, yêu cầu các sở, ngành phải xử lý triệt để ngay và thông tin tới doanh nghiệp. Đối với những kiến nghị liên quan đến vướng mắc của luật pháp, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố khẩn trương có kiến nghị cụ thể đối với Trung ương, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các vướng mắc.
“Thường trực Thành ủy sẽ chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để những cam kết ngày hôm nay với doanh nghiệp sớm có kết quả; giải quyết tối đa những nguyện vọng của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Thành phố. Lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành và giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI”, ông Châu khẳng định.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cam kết sẽ luôn đồng hành và giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI. Ảnh: Thanh Sơn |
Cụ thể, Thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam; xác định đây là động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố, là nơi “làm tổ” của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, thu hút các dòng vốn phát triển bền vững. Thúc đẩy thủ tục thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới với cơ chế ưu đãi vượt trội thu hút các dòng vốn ngoại, các tập đoàn toàn công nghệ đến đầu tư. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, giao thông đối nội, đối ngoại kết nối hệ thống cảng biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc...
Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động có tay nghề. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án tại Hải Phòng về địa điểm, quy hoạch, đất đai, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy... Giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế Một cửa khi doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục dự án, không để doanh nghiệp phải qua lại nhiều cơ quan để thực hiện các thủ tục dự án tại Hải Phòng.
Tập trung phát triển nhà ở chất lượng cao và nhà ở xã hội, hệ thống trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế, các khu vui chơi, giải trí, du lịch chất lượng cao, nhà ở tiện ích... để các nhà đầu tư và gia đình có thể yên tâm ổn định cuộc sống, làm việc lâu dài tại Hải Phòng.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, từ kinh nghiệm khắc phục các sự cố trong và sau Cơn bão số 3 (Yagi), Thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng phương án cung ứng điện ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, hạn chế tối đa tình trạng dừng, mất điện đột ngột ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp; huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình cấp điện trên địa bàn.
Tiếp tục duy trì, tăng cường hiệu quả và đa dạng hóa hình thức các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp theo hướng có trách nhiệm và thực chất. Trường hợp cần thiết, đề nghị các sở, ngành, các quận, huyện kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, triệt để các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng trao các biên bản ghi nhớ quan trọng trên 5 lĩnh vực cho các doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn |
Trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã trao các biên bản ghi nhớ quan trọng trên 5 lĩnh vực cho các doanh nghiệp. Cụ thể, lĩnh vực đào tạo lao động chất lượng cao; Lĩnh vực cung ứng lao động; Lĩnh vực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Lĩnh vực xây dựng doanh nghiệp sinh thái, kinh tế xanh, tuần hoàn; Lĩnh vực thẩm tra/thẩm định khí nhà kính, nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.