Ám ảnh khi lũ về
Theo báo cáo thống kê thiệt hại sau lũ của UBND Thị xã Sông Cầu, trong đợt lũ đầu tháng 11/2016 vừa qua, ước tính toàn thị xã đã chịu thiệt hại 80 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại về nuôi trồng thủy sản hơn 69 tỷ đồng. Có những hộ nuôi tôm hùm và ốc hương chịu thiệt hại tới 600 triệu đồng, gần như rơi vào cảnh trắng tay chỉ sau vài ngày lũ.
Ở xã Xuân Lộc, báo cáo cho biết, thiệt hại ước tính vào khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó, có 60 ha nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh và 13 lồng nuôi cá mú bị thiệt hại nặng.
Tôm hùm chết hàng loạt trong đợt lũ tháng 11 vừa qua |
Gia đình ông Phan Văn Dần có diện tích nuôi tôm chỉ vài sào, nhưng với một hộ gia đình nghèo thì đó là tài sản lớn. Trong trận lụt vừa qua, số lượng tôm trong ao nhà ông phần thì chết vì nước ngọt, phần thì bơi ra ngoài hết do bờ ao bị lở. “Nhà tôi thiệt hại khoảng hơn 10 triệu đồng, coi như vụ tôm năm nay mất trắng”, ông Dần nói.
Sở hữu một hồ nuôi tôm rộng tới 5.000 m2 ở xã Xuân Hải, bà Trương Thị Ánh từng nghĩ rằng vụ tôm năm nay sẽ có được ít của ăn của để, vì cũng chỉ còn vài ngày nữa là tới vụ thu hoạch. Ước tính sau vụ thu hoạch này, trừ hết chi phí, số tiền lãi thu về cũng được hơn 50 triệu đồng. Thế nhưng, mọi dự tính đó đều không xảy ra. Trận lụt lớn đầu tháng 11 vừa qua đã khiến cho hai phần ba số tôm trong hồ của bà chết, do nước trong hồ bị ngọt hóa. “Bờ hồ bị vỡ và nước ngọt từ trên cao tràn xuống quá nhanh, trong khi không có bờ kè để cản nước lại và giữ bờ, khiến tôm chết hết”, bà Ánh buồn rầu cho biết.
Có thể nói, nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân thuộc các xã dưới chân đèo Cù Mông luôn phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ khi bước vào mùa lũ, bởi cả tính mạng và tài sản của họ đều có thể bị cuốn đi bất cứ khi nào có lũ. Trận lũ vừa qua khiến nhiều gia cảnh lao đao cũng không nằm ngoài dự đoán.
Cùng chung tình cảnh đó, Hợp tác xã (HTX) Muối Tuyết Diêm với hàng trăm xã viên cũng không tránh sự lo lắng khi nghề muối phụ thuộc rất nhiều vào nước biển và thời tiết. Mỗi lần lũ về, bao nhiêu công sức của xã viên đều bị cuốn trôi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Chủ nhiệm HTX Muối Tuyết Diêm rất trăn trở về cuộc sống của xã viên, về nghề muối truyền thống nơi đây. Ông không dấu diếm hy vọng, Nhà nước sẽ có sự đầu tư thích đáng để giúp diêm dân Sông Cầu thoát khỏi nỗi ám ảnh mỗi khi lũ về...
Chờ đồng bộ dự án bờ kè
Khi nói về giải pháp ngăn nước lũ, hạn chế tràn nước ngọt gây tổn thất cho diêm dân, Chủ nhiệm HXT Muối Tuyết Diêm cho rằng, cần phải đầu tư đồng bộ hệ thống bờ kè chống lũ, chống sạt lở, để hạn chế tràn nước ngọt ảnh hưởng đến sản xuất. Theo ông, việc hoàn thiện hệ thống bờ kè không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho HTX, với khoảng tiết kiệm ít nhất 50% chi phí sản xuất bình thường, phần lớn tập trung vào chi phí vận chuyển, tạo điều kiện cho các thiết bị cơ giới vào tận nơi sản xuất.
Đối với các hộ dân nuôi trồng thủy sản, việc chưa có bờ kè bê tông ngăn chặn xói lở và cản nước ngọt tràn từ trên cao xuống các hồ nuôi, được cho là nguyên nhân chính gây nên những thiệt hại nặng nề trong mùa mưa lũ. “Hiện tại khu vực nuôi hải sản chưa có bờ kè. Mỗi khi có mưa lớn, nước ngọt bên bờ ào ạt đổ xuống, kèm theo đó là xói lở, gây thiệt hại rất nặng. Tình trạng này diễn ra nhiều năm rồi”, ông Dần cho biết.
Trong một báo cáo gửi Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên cũng xác nhận, trong những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhân dân tại các xã khu vực Thị xã Sông Cầu thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt, triều cường, sạt lở đất với tần suất ngày càng tăng, hậu quả thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng đến sinh kế, tài sản của nhân dân.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã lập Dự án Kè chống xói lở Đầm Cù Mông, gồm bờ kè có chiều dài 35km và một số hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư khoảng 380 tỷ đồng. Chi phí cho dự án này được tài trợ bởi nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) giai đoạn 2016-2020. Cho đến nay, giai đoạn I của Dự án đã được hoàn tất, với 15km bờ kè và tổng mức đầu tư là 185 tỷ đồng.
Ngay sau khi giai đoạn I của bờ kè được hoàn thành, nhiều người dân nơi đây đã đánh giá cao hiệu quả chống xói lở, xâm thực, ngăn chặn hiện tượng nước ngọt tràn xuống khu vực nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, năng suất nuôi trồng thủy sản ở những khu vực đã có bờ kè cao hơn hẳn những khu vực còn lại. Còn với những người dân ở các xã Xuân Hải và Xuân Lộc như bà Ánh, ông Dần, bờ kè vẫn là niềm mơ ước mà họ đang mong mỏi.
Ông Dần cho biết, người dân không thể tự làm vì chi phí rất lớn, vì vậy chỉ còn biết trông chờ vào Nhà nước. “Dân ở đây muốn có bờ kè lắm chứ, nó giúp bảo vệ tài sản của dân và giảm chi phí đầu tư nuôi trồng thủy sản rất nhiều”, ông nói.
Thực tế thì từ năm 2015, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chấp thuận triển khai giai đoạn II xây dựng 16,2 km kè còn lại, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có ý kiến xem xét để địa phương triển khai.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Phú Yên tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lắng nghe kiến nghị của địa phương và chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ liên quan, tổng hợp xử lý kiến nghị của tỉnh liên quan tới giai đoạn II của Dự án.
Theo UBND tỉnh, hiện nay có 7.316 hộ dân ở hai xã Xuân Lộc và Xuân Hải đang hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ xói lở do tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, việc tiếp tục triển khai các phần còn lại của Dự án Kè chống xói lở Đầm Cù Mông là nhu cầu rất cấp bách và cần thiết của địa phương, nhằm sớm hình thành hệ thống đê kè đồng bộ, kết hợp hệ thống giao thông liên vùng, nhằm phát huy hiệu quả các hạng mục đã được đầu tư .