Theo đó, thỏa thuận MRA-TP cho phép dịch chuyển lao động trong ngành du lịch thuộc khối ASEAN. Một người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN, trong khi đó, Việt Nam cũng có thể thu hút các lao động có trình độ để đáp ứng được các vị trí đòi hỏi trình độ cao đang bị thiếu hụt nhân lực, như bếp trưởng và nhân viên phục vụ rượu.
| ||
Từ năm 2015, lao động Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN và ngược lại, Việt Nam cũng có thể thu hút các lao động có trình độ từ các nước ASEAN theo nhu cầu |
Tuy nhiên, tại hội thảo Thực hiện Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch trong ASEAN (MRA-TP) diễn ra sáng nay, 13/8, các đại diện đến từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường du lịch, các khách sạn, công ty lữ hành, các hiệp hội du lịch đều bày tỏ lo lắng về khả năng Việt Nam sẽ đánh mất thị trường lao động ngay tại sân nhà.
Bởi lẽ, hầu hết các nước trong cộng đồng ASEAN đều rất quan tâm và từng bước chuẩn bị chu đáo cho tiến trình hội nhập này thì Việt Nam vẫn hầu như chưa có chuyển biến gì trong đào tạo lao động.
Trước đó, năm 2003, Việt Nam đã đưa ra hệ thống VTOS bao gồm các tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam. Hệ thống này đáp ứng nhu cầu của cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các khách sạn 5 sao, bằng cách cung cấp các tiêu chuẩn nghề và đào tạo cho nhân viên ở cấp thấp tới quản lý cấp cao với phạm vi tiêu chuẩn mới bao trùm hầu hết các công việc trong ngành du lịch.
Đặc biệt, những nhân viên trong ngành du lịch của Việt Nam có chứng chỉ VTOS có thể được công nhận qua việc đồng bộ trình độ kỹ năng của họ với Tiêu chuẩn nghề chung ASEAN đối với nghề du lịch.
Như vậy, VTOS sẽ là yếu tố quan trọng giúp nhân viên ngành du lịch Việt Nam được công nhận theo MRA-TP cũng như giúp các công ty du lịch hỗ trợ nhân viên của mình có được trình độ cần thiết vào năm 2015.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lại không mặn mà với việc tuyển dụng lao động có tiêu chuẩn này bởi 90% lực lượng lao động phục vụ cho du lịch chỉ cần đạt trình độ phổ thông. Trong khi chỉ 10% lao động đòi hỏi trình độ cao là những nhà quản lý du lịch và những người phụ trách thiết kế các sản phẩm du lịch, điều hành….
Do đó, các trường cho rằng doanh nghiệp không có cơ chế đặt hàng thì các trường cũng sẽ không đào tạo bởi việc đào tạo người lao động theo tiêu chuẩn đòi hỏi khoản đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Trước tình trạng này, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phải thừa nhận rằng: “Chúng tôi rất lo lắng trước thách thức thanh niên Việt Nam có thể mất ngay thị trường lao động vào năm 2015. Cạnh tranh vào thời điểm năm 2015 rất khốc liệt. Tuy nhiên, chúng ta không thể thực hiện được mục tiêu hội nhập về trình độ lao động nếu đội ngũ giảng viên chưa thể hội nhập trước đó. Đặc biệt, nhân sự cho ngành du lịch đã “ăn đong” từ bao lâu nay rồi thì nguy cơ thất nghiệp là hiển nhiên khi có thị trường lao động xuyên biên giới đáp ứng đầy đủ nhu cầu doanh nghiệp”.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, bà Mai Thanh, Giám đốc điều hành Bảo Sơn Travel cũng tỏ ra khá lo lắng, bởi không chỉ có nguy cơ thua trên sân nhà mà “nếu lực lượng lao động không được đào tạo bài bản và có trình độ thì khả năng hội nhập về lao động vào thời điểm 2015 của Việt Nam sẽ là việc rất khó khả thi”.
Để có sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý, đơn vị đào tạo lao động và các doanh nghiệp, một số đại biểu đã đề xuất nên đặt tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp và trao giải thưởng cho các doanh nghiệp dựa trên tiêu chí bình chọn số % lao động đạt các tiêu chuẩn đào tạo của VTOS.
Hải Hà