Đầu tư và cuộc sống
Lao động trở lại sau dịch nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu doanh nghiệp
Trọng Tín - 05/06/2022 09:01
Sau dịch, người lao động trở lại các thành phố lớn làm việc, nhưng nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.

Đó là vấn đề được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Lê Văn Thanh đưa ra trong Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19”, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 diễn ra vào sáng 5/6.

Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định là một trong những trụ cột quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Theo Thứ trưởng Thanh, đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ; tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Trong đó, nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm từ 56 triệu lao động quý IV/2019 xuống còn 50,7 triệu người quý IV/2021 (giảm 5,3 triệu người), trong đó quý III/2021 giảm mạnh nhất chỉ còn 49,1 triệu người; lực lượng lao động có việc làm quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tăng từ 1,22% quý IV/2019 lên 4,46% (hơn 1,8 triệu người) quý III/2021; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đạt đỉnh cao nhất là quý III năm 2021 là 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động); tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%.

Đặc biệt, tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021, giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng.

Quan hệ lao động bị xáo trộn, nhiều tiêu chuẩn lao động đã không được thực thi đầy đủ cả từ 2 phía (người sử dụng lao động và người lao động), nhiều lao động thiết lập được quan hệ lao động ổn định trong nhiều năm chuyển sang thiếu ổn định.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch, với mục tiêu duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, trong hai năm qua, có thể nói cả hệ thống chính trị của nước ta đã chung tay vào cuộc.

Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại, theo đó, thị trường lao động dần có sự phục hồi trở lại.

Nguồn cung lao động đang dần tăng trở lại, trong đó quý I/2022 lực lượng lao động là 51,2 triệu người, tăng 160 ngàn người so với cùng kỳ năm trước, tăng 440.000 người so với quý IV/2021.

Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại chiều hướng tích cực, trong đó giảm lao động trong khu vực nông nghiệp và tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ so với quý IV/2021 (tỷ lệ lao động nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hiện tại là 27,8% - 33,5% - 38,7%).

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là nguồn cung lao động vẫn đang đặt ra một số vấn đề: như nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.

Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, riêng trong quý I/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang rất tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy cho sự chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức. Khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động như tập trung đảm bảo an sinh xã hội cơ bản cho người lao động; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung – cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tuy nhiên những giải pháp trên mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của thị trường lao động và còn rất nhiều vấn đề đặt ra.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia Văn phòng ILO tại Việt Nam đánh giá Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 là một bước quan trọng để Việt Nam xây dựng một tương lai việc làm phù hợp với các nguyên tắc và mục tiêu của mình, một trong số đó thể hiện cách thức của Việt Nam để đạt được Các mục tiêu phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo bà Ingrid Christensen, một chủ đề quan trọng của cuộc thảo luận ngày hôm nay là kinh tế phi chính thức. Kinh tế phi chính thức không dễ mô tả ngắn gọn. Kinh tế phi chính thức bao gồm  khía canh là các cơ sở sản xuất kinh doanh và cả khía cạnh lao động, và kéo theo các nhu cầu và thách thức.

Tuy nhiên, có ít nhất hai yếu tố quan trọng đặc trưng cho kinh tế phi chính thức. Thứ nhất, phi chính thức đang đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Thứ hai, người lao động (bao gồm cả phụ nữ và nam giới) có việc làm phi chính thức đều không được hưởng sự bảo vệ đầy đủ từ  pháp luật lao động.

“Nhìn chung, kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỷ trọng kinh tế phi chính thức lớn có thể cản trở tiềm năng phát triển của một quốc gia”, bà Ingrid Christensen nêu vấn đề.

Tin liên quan
Tin khác