Ông có nghĩ rằng, việc quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay cũng có nhiều điểm tích cực?
Việc quản lý DNNN hiện được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Cách quản lý này cũng có một số điểm tích cực, song thực tế rất nhiều hạn chế đã bộc lộ từ lâu rồi và hạn chế ngày càng lấn át tích cực.
Vì vậy, đã nhiều lần Đảng và Nhà nước yêu cầu nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, tách bạch hẳn với các bộ, ngành, địa phương để quản lý.
Chỉ tiếc rằng, đến nay vẫn chưa tách được chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý doanh nghiệp ra khỏi bộ, ngành, địa phương.
PGS-TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Chính vì vậy, ông đồng tình với quan điểm thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước để tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý doanh nghiệp ra khỏi bộ, ngành, địa phương?
Vấn đề bỏ cơ quan chủ quản đối với DNNN không phải bây giờ mới đặt ra, mà ngay từ cuối năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt ra và yêu cầu các cơ quan nghiên cứu để triển khai. Chỉ tiếc là hơn 20 năm đã trôi qua, vấn đề này vẫn còn dưới dạng đề tài nghiên cứu. Thậm chí, Kết luận số 50-KL/TW (ngày 29/10/2012) của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN” cũng đặt vấn đề nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp đã trôi qua gần 4 năm, nhưng vấn đề này vẫn chưa thực hiện được.
Rất mừng là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã yêu cầu thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để tách chức năng chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, vấn đề này không còn “nói ngược, nói xuôi”, không “bàn ra, tán vào” nữa, mà phải thực hiện.
Nhưng những ý kiến phân vân không phải không có lý khi cho rằng, tinh thần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế đang được đẩy mạnh, thành lập thêm một cơ quan quản lý đi ngược với tinh thần này, thưa ông?
Phân vân này không có cơ sở, vì dù không thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước, thì các bộ, ngành, địa phương vẫn phải quản lý, vẫn phải bố trí nhân sự để quản lý vốn nhà nước. Thành lập cơ quan chuyên trách chính là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, bởi vốn nhà nước tại doanh nghiệp được tập trung về một đầu mối, thay vì được quản lý rải rác ở rất nhiều đầu mối; biên chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phân tán tại các bộ, ngành, địa phương được tập trung về một đầu mối sẽ gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn.
Cũng có ý kiến phân vân là dù thành lập cơ quan chuyên trách, nhưng thực tế vẫn là cơ quan quản lý nhà nước, tức là vẫn “bình mới rượu cũ”, tất cả hạn chế, tồn tại trong tư duy quản lý hiện nay vẫn không được khắc phục. Tôi cho rằng, phân vân này cũng không có cơ sở, vì đây không phải là cơ quan quản lý doanh nghiệp, mà chỉ làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Những người làm việc ở cơ quan này không phải là công chức nhà nước, mà là các chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý vốn chuyên nghiệp.
Vấn đề hiện nay là phải xây dựng mô hình tổ chức, bộ máy, chế độ đãi ngộ, quyền hạn, trách nhiệm của người lao động tại cơ quan này làm sao để thu hút được các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, nhà quản lý có trình độ, kinh nghiệm thì đồng vốn nhà nước đầu tư mới thực sự có hiệu quả.
Ông kỳ vọng gì về cơ quan này, nếu được thành lập?
Nếu chỉ xét về yếu tố kinh tế thì không phải ở Việt Nam mà nước nào cũng vậy, vốn nhà nước đầu tư không thể hiệu quả bằng khu vực kinh tế khác. Vì đồng vốn nhà nước bỏ ra đầu tư, ngoài hiệu quả kinh tế phải tính đến hiệu quả toàn xã hội; hiệu quả kinh tế còn liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội.
Ai cũng biết, đồng vốn nhà nước bỏ ra đầu tư không chỉ đạt hiệu quả kém hơn rất nhiều so với đồng vốn của khu vực tư nhân, mà không tương xứng với thực tế. Việc thành lập cơ quan chuyên trách là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, đặc biệt là đồng vốn đầu tư thuần túy kinh doanh, không liên quan đến an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.
Tính đến đầu năm 2015, doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở lên có tổng tài sản lên tới 5.408.400 tỷ đồng, trong đó 781 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sở hữu 3.105.453 tỷ đồng. Nếu cơ quan chuyên trách chỉ quản lý phần vốn tại các tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ con 100% vốn nhà nước hiện đang nắm giữ khoảng 2.794.908 tỷ đồng (chiếm 90% tổng tài sản của toàn bộ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), tăng được tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của khu vực này mỗi năm thêm 1%, thì Nhà nước sẽ có thêm 27.949 tỷ đồng.