Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản về việc lập kế hoạch sử dụng đất đối với tuyến đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, hướng tuyến đường cao tốc đoạn Tân Phú Bả Lộc về cơ bản được UBND tỉnh thống nhất và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư. Đối với tuyến đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc thuộc Dự án xây dựng kếu cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và phải thu hồi đất theo khoản 2, Điều 62, Luật Đất đai 2013.
Do đó, sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP.Bảo Lộc, và các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và đơn vị tư vấn rà soát cụ thể diện tích đất cần thu hồi theo từng loại đến từng đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định; xác định quy hoạch các khu vực dự kiến thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thu hút đầu tư khi có tuyến đường cao tốc đi qua và khu vực bố trí tái định canh, định cư (nếu có) để tổng hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, ngày 26/3/2021, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 224 thông qua Phương án đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư. Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm từng bước hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tạo động lực phát trển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.
“Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sau khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối hệ thống giao thông khu vực các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận; kết nối Quốc lộ 20, Quốc lộ 55, ĐT.725 với tuyến đường cao tốc; qua đó thu hút đầu tư, giảm tải cho Quốc lộ 20, giải quyết điểm đen giao thông tại khu vực đèo Bảo Lộc và góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) và các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) nói riêng và các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng”, Nghị quyết 224 đánh giá.
Tổng chiều dài toàn tuyến đường khoảng 67km, có điểm đầu tuyến tại km59+594 (lý trình dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú), giao với Quốc lộ 20 tại km 69+400, trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại km 126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, với tốc độ thiết kế 80km/h. Nền đường rộng 22m, với 4 làn xe ô tô, 2 làn xe dừng xe khẩn cấp, dải an toàn, dải phân cách, dải trồng cỏ và các công trình khác có quy mô phù hợp với quy mô nền đường.
Theo Nghị quyết 224, đây là dự án Nhóm A, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 với nền đường rộng 13,6m, mặt đường rộng 7m; dải phân cách mềm rộng 0,5m; làn dừng xe khẩn cấp rộng 5m, lề đất rộng 1m. Giai đoạn 2: Đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô nền đường rộng 22m sau năm 2045 hoặc thời điểm phù hợp với nhu cầu giao thông và khả năng thu xếp vốn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.408 tỷ đồng.
Ngày 23/2/2021, UBND thành phố Bảo Lộc có văn bản số 266 cho biết, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (trong đó có đoạn đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc) là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, có vai trò lớn giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam Bộ.
“Việc đầu tư đoạn Tân Phú - Bảo Lộc là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng của tỉnh mà hứa hẹn tạo nên sự đột phá lớn về phát triển kinh tế cho tỉnh. Đây là dự án đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và tạo đà chuyển dịch kinh tế - xã hội rất lớn cho nhân dân Lâm Đồng; là đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho các tỉnh khi việc giao dịch thương mại trở nên thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp...”, UBND TP.Bảo Lộc đánh giá.
Sau khi xin ý kiến của Thường trực Thành ủy Bảo Lộc, UBND TP.Bảo Lộc đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn phương án 1 để làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo. Lý do, phương án 1 phù hợp với định hướng quy hoạch chung của UBND TP.Bảo Lộc đang trình HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt (ý tưởng quy hoạch chung của thành phố đã được UBND tỉnh tổ chức thi tuyển; đồ án quy hoạch chung đã được lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cơ quan đơn vị…).
Việc chuyển đổi hơn 50,06 ha rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng tại văn bản số 514 (ngày 15/4/2021), đối với Phương án chiều dài đi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là khoảng 55 km thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 121 ha, trong đó có 50,06 diện tích rừng tự nhiên.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Luật Lâm nghiệp thì “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”.
Do vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng rừng tự 2 nhiên (diện tích 50,06 ha) phải được sự phê duyệt của Chính phủ. Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017 thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không phân biệt rừng tự nhiên, rừng trồng.
"Do vậy, đối với phương án tác động khoảng 51,42 ha rừng (rừng tự nhiên 50,06 ha, rừng trồng 1,36 ha) thì quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ (Khoản 2, Điều 20, Luật Lâm nghiệp 2017)", theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng.