Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển. |
Việc sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được nghiên cứu từ khá lâu, nhưng đến thời điểm này “vẫn chưa đâu vào đâu”. Thưa ông, vì sao vậy?
Lý do là Ban Soạn thảo còn phải trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan kinh doanh mặt hàng chiến lược này. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, câu hỏi đặt ra là kinh doanh có điều kiện có phải chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước như hiện nay hay theo thị trường? Nhà nước can thiệp vào thị trường ở mức độ nào? Định kỳ, cơ quan quản lý nhà nước có phải công bố giá điều hành (giá trần bán lẻ) xăng dầu hay để doanh nghiệp tự quyết định? Bộ Công thương hay Bộ Tài chính hay liên bộ Công thương - Tài chính quản lý giá bán lẻ xăng dầu?
Tôi cho rằng, nghị định thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP muốn sửa gì thì đều phải hướng đến mục tiêu là minh bạch hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu; hệ thống điều hành thị trường phải trơn tru, theo kinh tế thị trường có sự cạnh tranh; làm sao để người tiêu dùng được hưởng lợi tối đa; bảo đảm tuyệt đối an ninh năng lượng; tránh lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Nghĩa là, hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay chưa minh bạch, thưa ông?
Theo quy định hiện hành, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu bao gồm giá nhập khẩu (giá CIF) cộng với các loại thuế, phí, chi phí kinh doanh định mức, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá, lợi nhuận định mức... Trong đó, giá nhập khẩu căn cứ vào giá Platt Singapore (giá xăng dầu giao dịch bình quân hàng ngày trên thị trường
Singapore). Tuy nhiên, trong kinh doanh, khách hàng lớn luôn được người bán chiết khấu 8 - 10% giá Platt Singapore, nên khi nhập khẩu về Việt Nam, dù có bán bằng giá cơ sở, chưa tính lợi nhuận định mức, thì vẫn có lãi.
Vấn đề là làm sao tính toán chính xác lỗ - lãi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để tình trạng đứt gãy nguồn cung do doanh nghiệp nhỏ hạn chế nhập khẩu mỗi khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, vì càng nhập càng lỗ do họ không được người bán chiết khấu, hoặc mức chiết khấu rất thấp, trong khi doanh nghiệp lớn được chiết khấu 8-10%, nên vẫn có lãi.
Theo ông, làm thế nào để minh bạch được cách tính giá xăng dầu?
Tại sao chúng ta lại phải căn cứ vào giá Platt Singapore để tính giá cơ sở, trong khi lượng xăng dầu sản xuất trong nước chiếm trên 70% thị trường và tỷ trọng xăng dầu sản xuất trong nước mỗi năm một tăng?
Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng, nên bỏ giá Platt Singapore trong tính giá cơ sở. Thay vào đó, cần thành lập sàn giao dịch xăng dầu của Việt Nam để xác định giá cơ sở trên cơ sở giá trúng đấu giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Giả sử Việt Nam thành lập sàn đấu giá xăng dầu, theo ông, sẽ có lợi gì?
Nếu thành lập được sàn đấu giá xăng dầu thì giải quyết được nhiều vấn đề.
Thứ nhất, minh bạch được giá cơ sở do đấu giá xăng dầu tổ chức công khai, nên doanh nghiệp nào lỗ, lãi người tiêu dùng biết ngay, tức là không còn tình trạng lỗ giả - lãi thật như hiện nay.
Thứ hai, khi có sàn giao dịch, không doanh nghiệp nào mua bán lòng vòng qua các công ty con để đẩy giá lên được, vì nếu mua bán lòng vòng chắc chắn không thể cạnh tranh.
Thứ ba, giảm được độc quyền. Hiện chúng ta có 39 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, nhưng 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm 88% thị phần và đây đều là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Khi có sàn giao dịch, chắc chắn thị phần sẽ được chia lại. Khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu, nên mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên, người tiêu dùng và cả nền kinh tế được hưởng lợi.
Thứ tư, nguồn xăng dầu dự trữ của nước ta hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 30 ngày, nên không bảo đảm an ninh năng lượng. Theo yêu cầu của Chính phủ, dự trữ xăng dầu phải đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước ít nhất 60-90 ngày, sau đó có thể kéo dài thêm. Khi có sàn giao dịch, doanh nghiệp nào muốn tham gia đấu giá bắt buộc phải có kho dự trữ đủ lớn, nên các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối gián tiếp giúp Chính phủ dự trữ xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Sàn giao dịch có “dẹp” được nạn buôn lậu xăng dầu không, thưa ông?
Cùng với việc tổ chức đấu giá mặt hàng xăng dầu qua sàn, cần cho phép đại lý nhập khẩu từ nhiều nguồn để bán bán lẻ.
Hiện nay, mỗi khi giá xăng dầu tăng, nạn buôn lậu xăng dầu lại trở nên nhức nhối. Đại lý chỉ được mua hàng từ một đầu mối, một tổng đại lý, khi giá xăng dầu tăng, chiết khấu sẽ bị giảm hoặc cắt, nhưng đại lý vẫn phải mua vào, nếu không muốn rời khỏi thị trường.
Để tồn tại, trong trường hợp đó, đại lý chỉ nhập một phần từ tổng đại lý, số còn lại mua từ nhiều nguồn khác, nói thẳng ra là xăng dầu lậu. Dù đại lý, cửa hàng có mua nguồn khác có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thì cũng coi như mua hàng lậu, do họ không được phép nhập hàng từ các nguồn khác. Đằng nào cũng mang tiếng là mua xăng dầu lậu, thì họ mua lậu luôn, nếu không thì đại lý phải bù lỗ, phải đóng cửa. Có nhiều thời điểm, nếu theo đúng giá mua, giá bán, đáng ra đã có rất nhiều cửa hàng, đại lý bán lể xăng dầu phải đóng cửa, nhưng thực tế, rất ít đại lý, cửa hàng đóng cửa, do có một lượng xăng dầu lậu được bán kèm.
Khi có sàn giao dịch, giá mua, giá bán được công khai, đồng thời cho phép cửa hàng, đại lý được nhập khẩu xăng dầu từ nhiều nguồn, nên chắc chắn, tình trạng buôn lậu xăng dầu sẽ giảm hẳn.