Đây là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) liên quan đến lĩnh vực thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, được Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn.
Trong tờ trình Dự thảo Nghị định mới nhất, Bộ GTVT cho biết, đã hoàn tất quá trình lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động và Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng Thẩm định Dự thảo.
Được biết, Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 13 điều và 1 phụ lục nhằm quy định điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc; chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc; mức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc phạm vi Bộ GTVT quản lý.
Hiện mức phí sử dụng đường bộ cao tốc do Bộ GTVT đề xuất được đánh giá là đã đáp ứng yêu cầu mà Chính phủ đề ra là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, phù hợp với khả năng chi trả của người sử dụng đường bộ cao tốc.
Cần phải nói thêm rằng, chủ trương thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành từ 3 đến 4 năm trước, ngay khi những phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công còn trong giai đoạn thi công. Nhưng phải đến khi Quốc hội ban hành Luật Đường bộ, thì chủ trương thu phí các tuyến đường cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước để tạo nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng và tái đầu tư mở rộng mới đạt độ chín muồi, đặc biệt là về cơ sở chính trị và pháp lý.
Quá trình đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống đường bộ cao tốc của Việt Nam, cùng kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới cho thấy, đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, các vùng và cả nước; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xóa đói, giảm nghèo… Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành, bảo trì rất lớn.
Trong thời gian tới, nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc theo quy hoạch là không nhỏ, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vốn bảo trì hệ thống quốc lộ hàng năm hiện mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Vì vậy, việc khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc thuộc sở hữu nhà nước góp phần quan trọng để Nhà nước có thêm nguồn lực thực hiện công tác bảo trì các tuyến cao tốc hiện hữu, cũng như để đầu tư cho các dự án cao tốc mới. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo dịch vụ tương xứng với mức phí trên các tuyến cao tốc.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh về số lượng, sự đa dạng của phương tiện và các hình thức vận tải như hiện nay, việc tổ chức thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ góp phần điều tiết lưu lượng phương tiện, giảm áp lực về mật độ phương tiện, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông, tăng tuổi thọ công trình và giảm chi phí bảo trì trên các tuyến cao tốc, cũng như các tuyến đường bộ song hành.
Cũng cần phải nói thêm rằng, tại thời điểm Luật Đường bộ có hiệu lực, thì cả nước sẽ có khoảng 15 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư với tổng chiều dài khoảng 1.000 km được đưa vào khai thác. Nếu không kịp ban hành trong vài tháng tới một văn bản quy phạm pháp luật về thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư thì chắc chắn sẽ lãng phí một nguồn lực quan trọng của đất nước.
Chính vì vậy, cùng với việc thúc đẩy ban hành sớm nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, Bộ GTVT cũng cần khẩn trương chuẩn bị nguồn lực để xây dựng hạ tầng trạm thu phí, triển khai nhanh việc thu phí sử dụng đường cao tốc. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông phải sớm xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền, phổ biến những nội dung, quy định của nghị định, giúp các cơ quan, tổ chức và người dân hiểu biết, nắm bắt kịp thời quy định pháp lý để thực hiện. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để chủ trương “lấy cao tốc nuôi cao tốc” đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả như kỳ vọng.