- “Bắt tay” thiết lập hành lang du lịch an toàn
- Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 1: Chao đảo những "thành trì thép"
- Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 2: Vật lộn trong vòng xoáy mưu sinh
- Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 3: Chấp nhận đau đớn để tái sinh
- Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 4: Ngóng trông giải pháp “hồi sức tích cực”
- Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 5: Những giải pháp căn cơ
Phiên khai mạc Hội thảo. |
Làm gì để lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch là vấn đề được tập trung bàn thảo nhiều chiều tại Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” đang diễn ra tại Nghệ An.
Sự kiện này do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức tại Thị xã Cửa Lò, địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn hiện nay; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch gắn với chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Nói về lộ trình phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến ngành du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có.
Lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm 73,9% so với năm 2019, lùi lại thời điểm cách đây 30 năm, Thứ trưởng Việt nói.
Nói đến du lịch Việt Nam, ông Việt thêm một lần nhắc hai từ khủng hoảng. Đó là, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào khủng hoảng, 90-95% số doanh nghiệp dừng hoạt động.
Trong 11 tháng của năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 34,75 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 167.700 tỷ đồng, giảm 40,1% so với cùng kỳ năm 2020, ông Việt cho biết.
Bối cảnh trên, theo Thứ trưởng, đặt ra yêu cầu xây dựng, triển khai theo lộ trình phù hợp, các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội nhằm sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch.
Chương trình Hành động về phục hồi, phát triển du lịch đã được ban hành, trong đó trọng tâm là thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch; điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp nhằm tận dụng tốt cơ hội khôi phục, phát triển du lịch nhanh, bền vững, nâng cao năng lực nội tại của ngành, Thứ trưởng thông tin.
Về lộ trình, ông Việt cho biết dự kiến chia 2 giai đoạn kèm theo các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên.
Cụ thể, giai đoạn 1: Mở lại du lịch nội địa và du lịch quốc tế (từ cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022). Mở cửa và ổn định: bảo đảm an toàn điểm đến, thí điểm đón khách quốc tế trở lại, phục hồi hoạt động du lịch nội địa, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và chuẩn bị đầu tư công.
Giai đoạn 2 tập trung phục hồi và phát triển đạt mức trước dịch Covid-19 (từ nửa cuối năm 2022, có thể kéo dài 1 đến 2 năm): Hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư công và đầu tư xã hội (các chương trình/đề án/kế hoạch/nhiệm vụ cơ cấu lại ngành du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch; truyền thông, xúc tiến quảng bá kích cầu du lịch; chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực...) để tạo động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn cho ngành.
Tại hội thảo, Thứ trưởng cũng nêu một số kiến nghị để du lịch sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, như ban hành các cơ chế, chính sách riêng, ưu tiên, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động nhằm tạo thuận lợi cho ngành du lịch. Xác định phục hồi, phát triển du lịch là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023. Tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
"Du lịch đang đứng trước những thách thức có tính lịch sử trong tiến trình phát triển của mình. Nếu có được các cơ chế, chính sách đủ sức đột phá, quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, có thể biến nguy thành cơ, tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, Ngành du lịch sẽ có cơ hội giải quyết căn cơ các vấn đề lâu nay nảy sinh trong quá trình phát triển, đem lại những thay đổi căn bản, toàn diện, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hội thảo sẽ diễn ra trong cả ngày 25/12, phiên chuyên đề diễn ra trong buổi sáng, sau phát biểu của lãnh đạo ngành du lịch là tham luận và thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia và các doanh nghiệp về chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch.
Buổi chiều, hội thảo tiếp tục phiên toàn thể với sự tham dự và phát biểu của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ.