Đầu tư
Lấy ý kiến góp ý của nhân dân cho dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)
Như Chính - 24/11/2019 09:39
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, quy định chi tiết cho hoạt động PPP mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (ngân sách Nhà nước, đầu tư, đầu tư công, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, đấu thầu...). Để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của các pháp luật điều chỉnh hợp đồng.

Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững.

2 phương án về quy mô đầu tư dự án PPP

Đối với quy mô đầu tư dự án PPP (Khoản 2 Điều 5): Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bởi vì tính chất hợp đồng PPP là dài hạn, chi phí chuẩn bị đầu tư một dự án PPP khá cao, đồng thời muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn; vì vậy quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm được quy định tại Luật, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực. Các dự án có quy mô nhỏ hơn hạn mức này có thể lựa chọn các phương thức khác với thủ tục đơn giản hơn (xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục; đầu tư tư nhân...) theo đó vẫn bảo đảm được cơ hội thu hút vốn đầu tư tư nhân cho các dự án quy mô nhỏ ở địa phương. Từ luận điểm này, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo 02 phương án:

Phương án 1: Quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực (như dự thảo hiện nay).

Phương án 2: Không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP

Về nguồn để bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP: Qua quá trình trao đổi, tham vấn, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xin ý kiến rộng rãi 02 phương án như sau: (PA1) Hình thành Quỹ phát triển dự án PPP và (PA2) Hình thành dòng ngân sách riêng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đa số ý kiến đề xuất lựa chọn Phương án 2 bởi việc hình thành Quỹ trong bối cảnh hiện nay rất khó khả thi, đồng thời bị hạn chế bởi Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, Chính phủ đề nghị quy định theo Phương án 2 – cơ chế quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư công.

Đối với các cơ chế bảo đảm của Chính phủ: Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường. Đối với nội dung này, Chính phủ báo cáo Quốc hội 02 cơ chế sau:

Cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ (Điều 76 dự thảo Luật): Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư (Điều 77 dự thảo Luật). Dự thảo Luật thiết kế “cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu”, cụ thể: Đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trong khuôn khổ hợp đồng như nêu trên nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án (làm ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp dịch vụ công cho người dân), Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro như sau: Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tin liên quan
Tin khác