. |
Chỉ riêng lĩnh vực giao thông, đến thời điểm này, đã thu hút được 217 dự án BT và BOT, với tổng vốn lên đến 396.788 tỷ đồng. Tất cả các dự án này đều thực hiện theo phương thức chỉ định thầu và đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đội vốn, thưa ông?
Chính vì vậy, Dự thảo Luật Đầu tư PPP mới quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư PPP phải đấu thầu rộng rãi, trừ trường hợp dự án có tính đặc thù về phương án kỹ thuật, cung cấp dịch vụ, quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc tính đặc thù khác mà chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, mới đấu thầu hạn chế. Còn chỉ định thầu chỉ được áp dụng đối với dự án liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước hoặc cần phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Việc hạn chế tối thiểu chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế sẽ chấm dứt tình trạng tổng mức đầu tư quá cao, chi phí dự án quá lớn, thậm chí là có tình trạng “chạy dự án”. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu lại yêu cầu tất cả các dự án PPP, trừ một số trường hợp đặc biệt như tôi đã nêu, phải đấu thầu rộng rãi để thu hút doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Lý do là, chúng ta kêu gọi đầu tư PPP vào 7 lĩnh vực khác nhau, ngoài những lĩnh vực hấp dẫn khu vực tư nhân như giao thông; nhà máy điện; cung cấp nước sạch, nhiều lĩnh vực rất khó thu hút nhà đầu tư như y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề, thì làm sao tổ chức đấu thầu rộng rãi được. Thực tế hơn 20 năm áp dụng PPP, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, y tế, du lịch chưa có nhà đầu tư tư nhân nào tham gia PPP.
Ý ông là cần phải có hướng mở trong chỉ định thầu dự án PPP?
Dự thảo Luật Đầu tư PPP có một điều rất đặc biệt nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong các luật liên quan đến đầu tư. Đó là quy định, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư PPP và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP…, thì thực hiện theo quy định của luật này. Song cần hiểu là, chỉ áp dụng Luật Đầu tư PPP khi các quy định về trình tự, thủ tục trong luật thông thoáng hơn luật chuyên ngành, ngược lại, luật chuyên ngành thông thoáng hơn thì áp dụng luật chuyên ngành.
Trong trường hợp đấu thầu, Luật Đấu thầu quy định, được chỉ định thầu khi chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện và nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất. Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
Vì vậy, theo tôi, quy định về đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu nên theo Luật Đấu thầu để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Bởi trên thực tế, dù có mời gọi, “trải chiếu hoa”, nhưng cũng có rất ít nhà đầu tư quan tâm đến dự án y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề, hạ tầng khu công nghiệp ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên không thể tổ chức đấu thầu rộng rãi được.
Nếu đề xuất mở rộng trường hợp chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế được Quốc hội đồng ý, theo ông, liên quan đến đấu thầu dự án PPP, có cần bổ sung không?
Đối với những dự án do cơ quan quản lý nhà nước đề xuất, thì dứt khoát phải đấu thầu rộng rãi. Để tìm được nhà đầu tư tốt nhất, cơ quan quản lý nhà nước phải công bố công khai mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án; loại hợp đồng PPP; dự kiến tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn; các cơ chế bảo đảm, chia sẻ rủi ro...
Nhưng muốn đề xuất dự án, ngân sách nhà nước phải chi để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP, với rất nhiều công việc. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có khả năng, ngân sách, nhân lực để làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Kể cả làm được thì người ta cũng ngại, vì trong trường hợp đấu thầu rộng rãi thành công thì không sao, nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn lại số tiền này cho ngân sách nhà nước. Nhưng nếu đấu thầu rộng rãi không thành công thì tiền đã chi ra được cân đối vào đâu.
Dự thảo Luật Đầu tư PPP cũng thiết kế một điều khoản là, ngoài các dự án do cơ quan nhà nước đề xuất và công bố (sau khi đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), thì còn cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án PPP. Nhưng phải xem lại quy định, dự án do nhà đầu tư đề xuất vẫn phải tổ chức đấu thầu rộng rãi. Bởi trong trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án không trúng thầu thì chẳng khác gì “cốc mò, cò xơi”. Nếu tổ chức đấu thầu rộng rãi trong trường hợp này, tôi tin rằng, không nhà đầu tư nào dại gì đề xuất.
Tất cả các dự BOT, BT đều do nhà đầu tư đề xuất và thực hiện chỉ định thầu hoặc đấu thầu rất hạn chế. Thưa ông, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, nếu không đấu thầu rộng rãi đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, thì tình trạng này vẫn tiếp diễn?
Vậy thay vì đấu thầu rộng rãi dự án do nhà đầu tư đề xuất, thì đấu thầu nhà đầu tư tham gia đề xuất dự án. Cụ thể, địa phương thấy dự án nào cần phải đầu tư PPP, thì tổ chức đấu thầu nhà đầu tư tham gia việc đề xuất dự án, trong đó phải lựa chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai và khai thác hiệu quả dự án sau khi hoàn thành.
Sau khi trình hồ sơ đề xuất dự án, nếu không được chấp nhận do không đáp ứng được các yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước đặt ra, thì nhà đầu tư phải chịu mọi chi phí trong quá trình nghiên cứu báo cáo tiền khả thi và tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư khác để đề xuất dự án. Còn nếu hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu, thì thực hiện theo phương thức chỉ định thầu và chi phí này được tính vào chi phí của dự án.