Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thu hút các nguồn lực từ xã hội để đầu tư và cung cấp các sản phẩm dịch vụ công của nhà nước, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực tế trong gần 30 năm qua, chúng ta cũng đạt được những kết quả nhất định, nhất là đã thu hút được một lượng vốn đầu tư đáng kể từ xã hội để đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng, góp phần cho việc cải thiện năng lực cạnh tranh cũng như thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, các vùng miền và toàn bộ nền kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, kết quả này còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, chưa huy động hết được các nguồn lực, chưa tận dụng hết được cho phát triển. Trong triển khai còn nhiều hạn chế, bất cập nên việc thể chế hóa hóa bằng các quy định của pháp luật đối với phương thức đầu tư PPP là hết sức cần thiết và có một ý nghĩa hết sức quan trọng để huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Bộ trưởng Dũng đánh giá, yêu cầu khi xây dựng Luật PPP là tạo ra thể chế đồng bộ, chặt chẽ, hấp dẫn, minh bạch, đảm bảo hài hòa được giữa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đồng thời phải đảm bảo tính ổn định xuyên suốt và thống nhất trong suốt vòng đời của dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ các nội dung về dự án Luật PPP ngày 19/11 |
Phân biệt giữa PPP và xã hội hóa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đặc điểm chung của hai hình thức này đều là huy động nguồn lực đầu tư tư để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công. Điểm riêng khác biệt giữa hai loại này là PPP là một phương thức đầu tư theo một dự án cụ thể qua một hình thức hợp đồng và có một quy định về trình tự, thủ tục rất chặt chẽ. Còn xã hội hóa là một chủ trương chung để khuyến khích thu hút đầu tư nguồn lực từ xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, những quy định về xã hội hóa cũng cần phải được tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới đây và không chỉ dừng ở một chủ trương mà phải có các chính sách cụ thể.
Do đó, Chính phủ đề xuất là các dự án có quy mô lớn sẽ thực hiện theo hình thức PPP. Đối với những dự án có quy mô nhỏ, đơn giản, một là thực hiện bằng ngân sách nhà nước, hai là thực hiện theo phương thức đầu tư của tư nhân theo Luật Đầu tư.
Về mối quan hệ của Luật PPP với các luật khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, cơ quan soạn thảo cũng đã nghiên cứu và rà soát kỹ lưỡng các luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Để giảm thiểu tối đa các rủi ro chính sách cũng như tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận quy định ưu tiên áp dụng các quy định đặc thù về PPP theo luật này. Đồng thời, Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để tiếp tục rà soát kỹ nội dung các dự thảo của các luật liên quan như nhiều đại biểu đã nêu, để tránh sự chồng chéo và mâu thuẫn.
Về việc thu hẹp các lĩnh vực thực hiện dự án PPP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng kết thực tiễn cho thấy một số lĩnh vực không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư hoặc triển khai nhưng không hiệu quả như lĩnh vực giáo dục, y tế, vui chơi giải trí. Trong khi đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông là lĩnh vực có khả năng có nguồn thu, đảm bảo lợi nhuận nên được các đầu tư nước ngoài quan tâm hơn. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ sẽ tiếp tục cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu làm rõ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và không tràn lan, đảm bảo tính hiệu quả và tính khả thi của các dự án.
Về hạn mức, quy mô vốn đầu tư, trong đó có quy định về mức tối thiểu 200 tỷ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án PPP có thời hạn hoạt động dài, phức tạp nên việc chuẩn bị các dự án cần phải kỹ lưỡng và để đảm bảo tính khả thi cũng như tính hiệu quả, thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài và chi phí chuẩn bị cao. Do vậy cần phải tập trung, tránh dàn trải.
Về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 200 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mức quy định này đã được xác định trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong thời gian vừa qua. Các dự án đã được chúng ta kêu gọi thành công đều nằm trong hạn mức này trở lên. Hơn nữa, mức quy định này cũng phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Liên quan đến việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án PPP là dự án khó, phức tạp, yêu cầu đáp ứng được các cam kết của nhà nước, cấp quyết định ký hợp đồng phải là cấp có thẩm quyền. Kinh nghiệm của các nước cho thấy cần quy định tập trung, không thực hiện tràn lan và phân cấp rộng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng |
Về việc phân tách phần công và phần tư trong dự án PPP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nên tách các hạng mục đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và vốn tư nhân để áp dụng các thủ tục đầu tư khác nhau và nếu tách ra như vậy thì chúng ta phải thực hiện thủ tục gấp 2 lần, thời gian sẽ kéo dài hơn và rất phức tạp. Nhà nước quản lý chặt chẽ phần đầu tư công trong dự án PPP là hoàn toàn đúng đắn, nhưng phải trên cơ sở đầu ra của hợp đồng và chất lượng của dịch vụ công mà các nhà đầu tư cung cấp.
Về các dự án BT, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, ban soạn thảo nhận thấy hình thức BT trong thời gian qua cũng bị biến tướng, nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến các địa phương hiện nay khó khăn không có một nguồn lực nào khác ngoài đất đai có thể tham gia để có được các công trình của mình. Do vậy, Chính phủ kiến nghị cho phép giữ hình thức BT này, nhưng cần phải quy định chặt chẽ, đồng bộ để đảm bảo không thất thoát, lãng phí.
Về chia sẻ rủi ro, Bộ trưởng Dũng đánh giá đây là một vấn đề rất lớn, vừa mới, vừa khó nhưng được đa số các đại biểu đánh giá cao và nhiều sự đồng thuận. Cơ chế này nhằm chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư các dự án công phải xác định đây thuộc trách nhiệm nhà nước, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư mới yên tâm để tham gia đầu tư với nhà nước. Đây là cơ chế chia sẻ rủi ro chứ không phải cơ chế bảo lãnh.
Mục tiêu của nhà đầu tư được hiểu là kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc này chúng ta cũng không áp dụng tràn lan và cũng chỉ số ít dự án đặc biệt quan trọng và khi mà chúng ta không thể điều chỉnh thời hạn thì chúng ta mới thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Vấn đề về kiểm toán, nội dung này được thiết kế phù hợp với Hiến pháp và Luật Kiểm toán nhà nước. Theo kinh nghiệm quốc tế, nội dung của hợp đồng phải được nhà nước xem xét kỹ lưỡng trước khi ký kết và có thể thực hiện Kiểm toán nhà nước ngay từ khâu lập dự án. Nếu chúng ta lập xong, ký hợp đồng rồi mà chúng ta lại kiểm toán lại theo các quy định khác và theo các quy định ở trong nước thì nhà đầu tư không thể yên tâm để thực hiện được.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu được nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới và trong quá trình xây dựng mong muốn được các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến, các giải pháp cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật.