Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) sáng nay (11/11), ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ tán thành về sự cần thiết đối với việc xây dựng Luật PPP.
Ông Lộc dẫn chứng, Việt Nam hiện có đến 336 hợp đồng PPP với tổng giá trị lên đến 1,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư, xấp xỉ tổng mức đầu tư công trong 5 năm qua, từ 2015 đến 2019. “Thời gian qua, nguồn lực lớn như vậy huy động được từ khối tư nhân đã giúp giải quyết rất nhiều điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Chúng ta có một giai đoạn nhiều năm liền không phải lo về chuyện thiếu điện, tình trạng tắc nghẽn giao thông làm tăng chi phí vận tải hàng hoá cũng được tháo gỡ nhiều”, ông Lộc nhìn nhận.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc |
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, mặc dù nguồn lực lớn như vậy, nhưng do thời gian qua, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về đầu tư PPP vừa thiếu, vừa yếu đã dẫn đến một số dự án PPP gây bức xúc dư luận.
Lấy dẫn chứng về các dự án BOT Cai Lậy - Tiền Giang, BT Thủ Thiêm…, ông Lộc đánh giá, sự phản ứng của người dân tạo ra rủi ro cho các dự án PPP, dẫn tới dòng tiền đổ vào PPP bị chững lại.
Cho rằng nhiệm vụ xây dựng Luật Đầu tư PPP là phải làm sao ‘vực dậy’ dòng vốn tư nhân đổ vào cơ sở hạ tầng, ông Lộc nhấn mạnh cần tập trung vào 2 giải pháp là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và công khai minh bạch với người dân.
Phân tích về việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, vị đại biểu tỉnh Thái Bình cho biết, về nguyên tắc, các hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và Nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, nhiều chủ đầu tư phản ánh tình trạng thiếu tôn trọng hợp đồng PPP từ các cơ quan nhà nước.
“Điều này gây rất nhiều phiền toái cho các nhà đầu tư vì họ lại mất thời gian giải thích cho các cơ quan nhà nước pháp luật hợp đồng. Nguy hại hơn, thực tế này khiến môi trường đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam rất rủi ro, khó thu hút nhà đầu tư”, ông Lộc nói.
Để tránh tình trạng này, ông Lộc đề nghị bổ sung quy định theo hướng nguyên tắc rằng các cơ quan, cán bộ nhà nước, dù đại diện ký hay không ký hợp đồng PPP đều phải tôn trọng nội dung của hợp đồng PPP và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.
Theo ông Lộc, việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư không chỉ trong khâu thực thi pháp luật mà còn cả khi thay đổi pháp luật. Dự thảo hiện chưa có quy định về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật. “Đây là một nội dung mà các nhà đầu tư rất quan tâm do sự khó tiên đoán của pháp luật Việt Nam”, ông Lộc lưu ý.
Đồng tình với quan điểm về vấn đề quy định bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng, nhưng Chủ tịch VCCI cũng lưu ý, nếu áp dụng cơ chế bảo đảm này thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây những hệ luỵ lớn cho ngân sách về dài hạn.
Ông Lộc đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định như khi đề xuất các biện pháp bảo đảm thì phải có báo cáo đánh giá rủi ro đối với ngân sách, trong đó lập các kịch bản rủi ro, khả năng xảy ra rủi ro và thiệt hại tối đa mà ngân sách phải chịu. Thiệt hại tối đa theo kịch bản xấu nhất được gọi là giá trị biện pháp bảo đảm. Báo cáo đánh giá rủi ro này phải được Bộ Tài chính thẩm định, được Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Về vấn đề công khai minh bạch, ông Lộc đề nghị nhất thiết phải bổ sung một điều khoản về việc lấy ý kiến cộng đồng trước khi quyết định chủ trương và ký hợp đồng PPP.
Hoan nghênh dự thảo Luật PPP đã quy định nhiều nội dung thông tin của dự án phải công bố trong Điều 11, song ông Lộc đề nghị công bố thêm nhiều thông tin nữa để bảo đảm quyền giám sát của người dân, như các hợp đồng PPP và cả phụ lục (trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước, tài sản trí tuệ), các báo cáo thẩm định dự án, các báo cáo hoạt động của dự án, công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng.