Cổ đông chưa từng được nhận cổ tức bằng tiền mặt
Công ty LDG (mã LDG) được niêm yết trên sàn ngày 12/8/2015. Trải qua các đợt tăng vốn, vốn điều lệ tại Công ty LDG đã tăng từ 750 tỷ đồng, lên 256,2 tỷ đồng.
Mặc dù trải qua hơn 8 năm niêm yết trên sàn, nhưng Công ty LDG chưa một lần trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, mà chủ yếu phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Đặc biệt, Công ty đã 3 lần phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên (ESOP).
Công ty LDG vừa thông qua kế hoạch phát hành 12.810.367 cổ phiếu ESOP, giá 0 đồng/cổ phiếu, triển khai từ quý IV/2023 đến quý I/2024. Với việc người lao động không nộp tiền và phát hành bằng mệnh giá, công ty này dự kiến phải chuyển 128,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang vốn điều lệ, tăng vốn tương ứng với số lượng cổ phiếu ESOP thưởng cho nhân viên.
Điểm đáng lưu ý, đợt phát hành ESOP sắp tới diễn ra trong bối cảnh Công ty kinh doanh lao dốc và thua lỗ. Năm 2022 lợi nhuận giảm 97%, chỉ đạt 4,24 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 140,65 tỷ đồng); 9 tháng năm 2023 ghi nhận lỗ 209,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 8,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty LDG chỉ còn sở hữu 46,97 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 0,62% tổng tài sản, trong khi tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 1.331,97 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng nguồn vốn.
Trước đó, trong Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2023, kiểm toán cho biết, tại thời điểm 30/6/2023, Công ty LDG có phát sinh các khoản nợ phải trả quá hạn, bao gồm chậm thanh toán lãi trái phiếu của lô trái phiếu LDGH2123002 với số tiền là 22,55 tỷ đồng; chậm thanh toán gốc và lãi vay ngân hàng với số tiền 33,96 tỷ đồng; một số các khoản nợ đến hạn hoặc sắp đến hạn.
ESOP tại Việt Nam chưa phản ánh đúng chi phí của doanh nghiệp
Thực tế, câu chuyện tại Công ty LDG chỉ là một điển hình về chính sách phát hành ESOP tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành ESOP còn bộc lộ một số điểm yếu, có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp nói chung.
Theo quy định kế toán Việt Nam hiện hành, nếu doanh nghiệp thưởng tiền mặt sẽ làm giảm lợi nhuận sau thuế, còn nếu phát hành ESOP thì chỉ cần chuyển từ các khoản mục lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác sang tăng vốn chủ sở hữu. Như vậy, về bản chất, phát hành ESOP là chuyển dịch các khoản mục trong báo cáo tài chính.
Còn theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), khi doanh nghiệp phát hành ESOP sẽ buộc phải ghi nhận chi phí theo từng giai đoạn sát với thời gian gắn liền với kỳ ESOP đó.
Ví dụ, nếu một doanh nghiệp phát hành ESOP với thời gian hạn chế chuyển nhượng là 50% trong năm thứ nhất và 50% còn lại trong năm thứ hai, thì doanh nghiệp phải ghi nhận chi phí của từng khoản ESOP không còn bị giới hạn chuyển nhượng vào cuối năm thứ nhất và cuối năm thứ hai.
Chi phí phát hành ESOP được ghi phụ thuộc vào giá trị hợp lý của cổ phiếu đó tại ngày ESOP được phát hành, thông thường là sử dụng giá thị trường.
Có thể thấy, theo quy định kế toán quốc tế, ESOP là một loại chi phí và khi phát hành, doanh nghiệp sẽ phải ghi nhận giảm lợi nhuận trong kỳ.
Tại Việt Nam, áp dụng điều này sẽ điều chỉnh giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó có thể làm giảm khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đề ra. Trong khi đó, doanh nghiệp thường dựa vào việc hoàn thành bao nhiêu phần trăm kế hoạch lợi nhuận là có thể phát hành ESOP, cho dù kế hoạch này thấp hơn kế hoạch trước đó.
Vấn đề nào cũng có tính hai mặt và ESOP cũng không ngoại lệ, nhưng nếu quy định kế toán chặt chẽ hơn, thì nhiều doanh nghiệp sẽ khó lạm dụng việc phát hành ESOP, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cổ đông.
Đối với nhà đầu tư dài hạn, việc mua cổ phiếu chủ yếu là để hưởng cổ tức hàng năm. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp không chia cổ tức tiền mặt, hoặc chia với tỷ lệ rất thấp, trong khi ESOP vẫn phát hành đều. Điều này không tạo nên chính sách phân chia lợi nhuận hài hòa, vì cổ đông chỉ có một nguồn thu nhập cố định là cổ tức, trong khi lãnh đạo, nhân viên vẫn còn có lương, thưởng và thêm cổ phiếu ESOP để bán đều đặn hàng năm.
Đó là chưa kể, khi cổ phiếu ESOP phát hành nhiều sẽ tạo áp lực lên thị giá chứng khoán, cũng như cho cổ đông bị pha loãng tỷ lệ sở hữu.
Không thể phủ nhận ESOP hiện tại được xem là công cụ hữu hiệu đối với doanh nghiệp khi vừa giúp doanh nghiệp giữ được người tài, vừa có thể tăng vốn, mà không làm ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp. Nhưng để phản ánh hết được bản chất của ESOP, cần phải tuân theo nguyên tắc kế toán quốc tế. Khi đó, cổ đông và nhà đầu tư sẽ có góc nhìn khách quan hơn, chân thực hơn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và đó là xu hướng tất yếu trong tương lai khi Việt Nam áp dụng theo IFRS.
Theo Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam, sau năm 2025, doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng chuẩn mực quốc tế này.