Bắt đầu với nền tảng dành cho trải nghiệm
Là sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành của Vibeji và Baola, Lê Cao Trí đang trở thành một nhân vật khiến khá nhiều người ở các độ tuổi khác nhau muốn cùng anh thưởng thức bia và cà phê để chia sẻ về cuộc sống, việc khởi nghiệp tại Việt Nam.
Với vai trò là một người kinh doanh, anh rất thích lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm trong cuộc sống với mọi người. Những trải nghiệm, trò chuyện đó diễn ra ở TP.HCM, nhưng bất cứ ai có nhu cầu có thể nói chuyện online với anh.
Vibeji là một nền tảng dành cho trải nghiệm, bắt nguồn từ sở thích được trải nghiệm, mong muốn khám phá những thứ xung quanh của anh. Những ai có tài lẻ, có những trải nghiệm đáng nhớ, quán bar... đều có thể đưa lên Vibeji. Người dùng có thể đặt chỗ, trả tiền, đến và tham gia trải nghiệm tại những địa điểm thú vị đó.
Lê Cao Trí, sáng lập, kiêm giám đốc điều hành Vibeji và Baola
So với những công ty du lịch trải nghiệm ở Việt Nam hay Đông Nam Á, Vibeji mang đậm thiên hướng về những trải nghiệm xung quanh. Ví dụ, ở một quán cà phê mình yêu thích liệu có hoạt động trải nghiệm về cà phê như khách hàng tự pha cà phê hay không?
Tiếp theo, anh phát triển Dự án Baola. Baola lại là một kho kiến thức, dẫn dắt bởi những người có ảnh hưởng và tư duy sáng tạo. Khi dịch bệnh bùng nổ và áp dụng biện pháp phong tỏa, anh phát triển Baola bởi thị trường học online lúc nào cũng có thể thực hiện được và nó không bị ngăn cách bởi các vấn đề như dịch bệnh.
Nếu Vibeji mang tính giải trí, thì Baola mang tính học thuật nhiều hơn. Baola liên quan tới việc phát triển bản thân, tìm hiểu về những điều xung quanh cuộc sống bằng cách học hỏi từ những người có tầm ảnh hưởng.
Cả Vibeji và Baola đều mang sứ mệnh của anh. Nếu Vibeji là khám phá những thứ xung quanh, thì Baola là học tập những nội dung giúp phát triển bản thân.
Hành trình mang tâm trạng “tàu lượn siêu tốc”
Bước chân vào khởi nghiệp với chiến lược “3 không”, Lê Cao Trí đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp ở Việt Nam với chữ “không biết”, rồi đến những thứ “không nên biết” để có thể tiết kiệm năng lượng nhằm tập trung vào những vấn đề cần phải giải quyết. Cuối cùng là những điều “không thể không biết” có liên quan tới những con số.
Không tiết lộ cụ thể, nhưng tháng 5/2020, Vibeji đã được rót vốn. Đối với anh, việc gọi vốn này là sự bắt đầu của mọi thứ mới, nhưng đại dịch bùng phát cũng khiến anh phải đối mặt với không ít áp lực.
Việc gọi vốn nhiều hay ít không nói lên việc start-up đó thành công hay không trên con đường dài. “Tôi nghĩ thành công của start-up đến từ vấn đề cốt lõi. Mình có tiền, nhưng lại đi sai hướng hay bị áp lực từ nhà đầu tư khiến start-up đi sai hướng, thì không phải là điều tốt. Giá trị cốt lõi chỉ được giải quyết bởi đội ngũ sáng lập khi họ xác định rõ ràng mục tiêu phải làm gì và làm như thế nào”, anh chia sẻ.
Start-up là hành trình mang tâm trạng “tàu lượn siêu tốc”, lên xuống rất thất thường, thậm chí là mất định hướng, cảm thấy tất cả mọi thứ đang chống lại mình. “Cảm giác khi mình rất cố gắng, nhưng mọi thứ vẫn không nằm trong tầm kiểm soát là trạng thái rất thường xuyên xảy ra”, anh thừa nhận.
Năm 2021, anh rất cố gắng để mang về những hợp đồng kinh doanh cho Vibeji. Nhưng dịch bệnh bùng phát và đó là điều mình không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, ở những thời khắc khó khăn đó, điều quan trọng nhất với một nhà “cầm trịch” dự án như anh là có chịu thay đổi hay không.
Trước khi về Việt Nam khởi nghiệp năm 2018 với Vibeji, anh từng là kỹ sư phần mềm và giám đốc sản phẩm của một doanh nghiệp tại Perth (Australia). Từ năm 2016, anh bắt đầu dành nhiều thời gian để đi du lịch khắp nơi trên thế giới, sống cùng nhiều người dân bản xứ, học hỏi từ những người xung quanh và từ đó ấp ủ ý tưởng hình thành Vibeji.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo điều kiện để mọi người kiếm tiền dựa trên nguồn nhân lực sẵn có, chia sẻ cho nhau những giá trị chuyên môn, sở thích hoặc kiến thức, để cùng tận hưởng thời gian với những người tuyệt vời, có suy nghĩ tương đồng”, anh chia sẻ.
Khởi nghiệp và phát triển dự án trong bối cảnh đại dịch bùng phát, anh đã hình thành phong cách quản lý với sự chân thành, thân thiện và đầy cảm hứng. Bí quyết để anh gây dựng được văn hóa công ty đa dạng là hãy bắt đầu mọi việc từ một nhóm nhỏ với những cá nhân tương đồng trong suy nghĩ và cùng nhau xây dựng văn hóa chung. Văn hoá công ty không phải thay đổi để phù hợp với bất kỳ cá nhân nào, mà cần có định hướng văn hoá ngay từ đầu cho tất cả mọi người.
Với những ai biết, nghe qua hoặc nắm rõ về Lê Cao Trí, anh nổi lên như một nhân vật mạnh mẽ, cá tính, nhưng đầy triết học nhân sinh. Trước khi về Việt Nam khởi nghiệp, anh “khoá” hồ sơ của mình trên các phương tiện để có được cảm giác an toàn trong cái bong bóng riêng của mình. Nhưng khi anh bắt đầu khởi nghiệp ở quê nhà, nhất là ở mảng công nghệ tiêu dùng, việc phá vỡ bong bóng của mình đã giúp anh đến gần hơn với công chúng và ngày càng được đón nhận nhiều hơn.