Mối đe dọa của các ông lớn
Những ngày cuối tháng 11/2018, nhiều người dân sống xung quanh căn nhà 3 tầng nhỏ xinh với kiến trúc cổ trong ngõ Thi Sách (Hà Nội) thắc mắc khi dòng người ra vào tấp nập. Hỏi ra mới biết, đó là hai tuần phòng tập thể dục GymHaus mở cửa đón những khách hàng đầu tiên. Các lớp nhóm nhỏ được khá nhiều người lựa chọn để trải nghiệm và làm quen dần với lối sống: Đi tập là phải vui.
Từ mối duyên với fitness, Diễm Hằng trở thành bà chủ GymHaus Boutique Fitness |
Thay vì sự choáng ngợp thường thấy khi đến những phòng gym ngờm ngợp máy móc lạnh lùng, khách hàng đến với GymHaus luôn có cảm giác như đang ở ngôi nhà thứ hai. Sự hưởng ứng nhiệt tình ban đầu của khách hàng với các gói dịch vụ của GymHaus đã tạo niềm tin cho người sáng lập 34 tuổi - Lê Vũ Diễm Hằng.
GymHaus là một start-up thiết lập theo mô hình phòng tập thể dục boutique fitness (phòng gym nhỏ, tập trung vào các lớp tập nhóm và huấn luyện viên cá nhân) sẽ khai trương vào ngày 8/12 tới.
Trên thế giới, mô hình này nổi lên và trở thành mối đe dọa với các “ông lớn” phòng tập truyền thống nhờ chiếm lĩnh thị trường ngách, tập trung phục vụ những nhu cầu chuyên sâu và trải nghiệm chuyên biệt hơn cho đối tượng khách hàng trẻ, những người đòi hỏi sự tiện lợi, linh hoạt và gắn kết cộng đồng.
Ở các nước phương Tây, boutique fitness là xu hướng đang lên mạnh mẽ trong gần 10 năm qua với các tên tuổi như One Hot Yoga & Pilates (Australia), Orange Theory, Soul Cycle (Mỹ)… Tại Mỹ, từ năm 2012 đến nay, lượng khách theo các phòng tập boutique tăng 74%, trong khi các phòng tập lớn chỉ tăng 5% (theo nghiên cứu của IHRSA), chiếm 35% tổng doanh thu ngành fitness.
Ở Việt Nam, khái niệm boutique fitness cũng đang được nhắc đến nhiều hơn. Chính bởi tính nhỏ gọn, linh hoạt của nó, Diễm Hằng cảm thấy độ vừa vặn với thực lực về vốn, kinh nghiệm của những người khởi nghiệp như cô.
“Giá trị sản phẩm, dịch vụ mà mô hình này có thể tháo gỡ cho các nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng là điều tôi tin tưởng. Start-up chỉ thành công khi mang lại những giá trị độc đáo cho khách hàng”, Diễm Hằng nói.
Thị trường fitness tại Việt Nam phát triển khá nhanh trong 7 - 8 năm nay, nhưng vẫn còn nhiều khu vực, nhu cầu chưa được khai phá. Các nhu cầu và phân khúc người tập chia rất rõ: có những người chưa từng tập luyện, không thích, hoặc chưa đủ động lực; có người đã từng tập, nhưng đang tìm kiếm trải nghiệm tập luyện mới hơn, đáp ứng nhu cầu cá nhân hơn.
Với đối tượng thứ nhất, các phòng tập lớn sẽ đáp ứng nhu cầu của họ; còn mô hình boutique hướng nhiều hơn đến những người đã hiểu hoặc yêu thích tập luyện.
GymHaus sẽ mang đến cho khách hàng trải nghiệm mà họ chưa có được ở những phòng tập khác mà ở đó, có thể huấn luyện viên chưa đủ tinh tế; có thể chương trình và lớp tập có chất lượng không ổn định...
Diễm Hằng tin ở Việt Nam, mô hình này sẽ có cơ hội tăng trưởng rất nhanh trong những năm tới, khi nhận thức và thị hiếu của khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ, ngày càng đi lên. Ngoài ra, khách hàng nữ cũng ngày càng có nhu cầu cao hơn về việc chăm sóc bản thân.
Gây dựng tình yêu thương hiệu
Diễm Hằng xuất thân là người làm ngân hàng, sau đó, cô học thạc sỹ quản lý và marketing tại Đại học Monash (Melbourne, Australia). Trước năm 2014, Hằng rất ít vận động, hầu như không chơi môn thể thao hay đến phòng tập. Khi sang Australia học, cô mới bắt đầu làm quen với tập luyện vì tăng cân mất kiểm soát.
Lúc đó, ở Melbourne, những phòng tập boutique studio dạy yoga, barre, pilates… đang là trào lưu rất thịnh hành. Diễm Hằng thay đổi lối sống, chăm chỉ tập hot yoga (yoga trong phòng có nhiệt độ từ 37 - 41 độ C) và pilates (phương pháp giảm cân bằng cách kết hợp chuỗi bài tập có kiểm soát để cải thiện sức khỏe).
Trở về Việt Nam, cô tiếp tục thói quen tập luyện đều đặn bằng cách đăng ký thẻ tập tại một câu lạc bộ fitness cao cấp.
Mối duyên với fitness khiến Hằng hứng thú và quyết định rời ngân hàng về làm giám đốc marketing cho chính câu lạc bộ mà cô đang tập.
Hai năm ở vị trí phụ trách marketing, thương hiệu cho hệ thống fitness lớn nhất, nhì Việt Nam, Hằng hiểu sâu sắc hơn những khía cạnh kinh doanh của nó: không chỉ là marketing, mà là vận hành, bán hàng, công nghệ thông tin… Xâu chuỗi những yếu tố đó với mô hình boutique fitness đã trải nghiệm ở Australia, Hằng quyết định thành lập start-up của mình.
GymHaus đánh vào phân khúc trung và cao cấp xoay quanh ba đối tượng chính: những người yêu thích hoặc đã tập luyện, đang muốn tìm trải nghiệm tốt hơn và cá nhân hơn; những người mong muốn đạt mục tiêu về sức khoẻ và hình thể; nhân viên văn phòng, doanh nhân muốn cải thiện sức khoẻ và lối sống với những chương trình tập mới, tiết kiệm thời gian, vui và hiệu quả.
Vốn để triển khai mô hình này không quá lớn, nhưng nguồn lực về thời gian, công sức và chất xám đổ vào dự án rất nhiều. Những lúc thoáng thấy nản hay bế tắc, Hằng thường tự hỏi tại sao mình bắt đầu để lại tiếp tục chiến đấu.
Kế hoạch gọi vốn cho GymHaus cũng được Diễm Hằng tính đến, nhưng phải chờ một thời gian để mô hình vận hành ổn định và có dòng tiền tốt, có cơ sở để gọi vốn, phát triển, nâng cấp mô hình.
“Fitness là ngành dịch vụ dựa trên niềm tin. Không gì hiệu quả bằng việc làm hài lòng khách hàng hiện hữu để họ lan truyền và chia sẻ về dịch vụ của GymHaus tới bạn bè, người thân...”, Hằng nói.
Tốc độ phát triển ấn tượng của các thương hiệu phòng tập boutique là bài học đáng giá cho các start-up: hãy chiếm lĩnh các thị trường ngách, mang đến những trải nghiệm độc đáo, nuôi dưỡng quan hệ gắn bó với khách hàng, gây dựng tình yêu thương hiệu với khách hàng trung thành.