Ông có thể nói rõ hơn về các ngành công nghiệp được ưu tiên và mục tiêu, định hướng cụ thể của Chiến lược?
Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/7/2013, “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (gọi tắt là Chiến lược Việt - Nhật) tập trung ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp, gồm điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
| ||
Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) |
Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là huy động tối đa sự tham gia của Chính phủ - doanh nghiệp (DN) - nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản vào toàn bộ quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá hiệu quả phát triển các ngành công nghiệp được lựa chọn.
Cụ thể, đến năm 2020, 6 ngành được ưu tiên phát triển sẽ đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với bảo đảm tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam; giá trị sản xuất của 6 ngành ưu tiên tăng tối thiểu 20%/năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Tuy Chiến lược đã được phê duyệt gần 2 tháng nay, nhưng các địa phương, DN và người dân còn ít biết thông tin này.
Vì vậy, CIEM đã chủ động tổ chức hội thảo ở cả 3 miền nhằm phổ biến, giới thiệu về Chiến lược.
Trên thực tế, 6 ngành này đã được chú trọng khá lâu, thậm chí có địa phương còn quy hoạch các cụm, khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành, song vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư?
Việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên dựa trên chính năng lực, tiềm lực phát triển của các ngành trong nền kinh tế Việt Nam và ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Tuy nhiên, thực tế phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, trong đó có 6 ngành này, cho thấy, cần phải có kế hoạch phát triển cụ thể, tỷ mỉ với những giải pháp tổng thể, nhất là sự phối hợp của các ngành liên quan, mới tạo được sức hấp dẫn của các ngành ưu tiên với nhà đầu tư.
Chẳng hạn, như nếu không có chính sách phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thì không thể phát triển mạnh 6 ngành công nghiệp ưu tiên này một cách ổn định và bền vững. Hay như ưu tiên ngành thủy - hải sản, thì trong kế hoạch hành động phải xây dựng cụ thể là sản phẩm gì, như cá ngừ, mực chẳng hạn...
Hiện một số địa phương có chủ trương dành riêng KCN để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản. Ông bình luận gì về việc này và trong triển khai Chiến lược Việt – Nhật, việc này có thể coi là lợi thế?
Cũng phải nhấn mạnh, 6 ngành kinh tế được ưu tiên sẽ tạo bước đột phá trong việc thu hút đầu tư và hiệu quả FDI nói chung và của Nhật Bản nói riêng vào Việt Nam, với mục tiêu góp phần vào tái cơ cấu ngành, thực hiện chuyển đổi mô hình và tái cơ cấu nền kinh tế nền kinh tế.
Điều này đòi hỏi việc thực thi Chiến lược phải mang tính tổng thể, với sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Đây là lý do kế hoạch hành động của từng ngành sẽ phải được xây dựng.
Việc dành riêng các KCN để đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản không có gì phải phản đối, nếu có hiệu quả và không theo phong trào.
Tôi hy vọng trên cơ sở thỏa thuận của 2 Chính phủ, các cơ quan chuyên môn và các địa phương, DN, thì khi triển khai, Chiến lược Việt - Nhật sẽ đạt hiệu quả cao.
Vậy kế hoạch tiếp theo là gì, thưa ông?
Trong 6 ngành được xác định trong Chiến lược, thì hiện tại, chúng tôi đã và đang xây dựng kế hoạch hành động của 5 ngành (trừ ngành đóng tàu), vì còn phải chờ kết quả tái cơ cấu của Vinashin, thì phía Nhật Bản mới có ý kiến cụ thể.
Hai bên đã thống nhất đến giữa tháng 12/2013 sẽ hoàn thành Kế hoạch hành động của 5 ngành này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn đối với ngành đóng tàu, có thể phải lùi lại sang năm 2014.
Hồng Sơn