Đầu tư
Lên kịch bản hạ nhiệt “điểm nóng” cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên
Anh Minh - 31/03/2024 11:45
Tuyến Cam Lộ - Hòa Liên dài 163,3 km (trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,35 km, đoạn La Sơn - Hoà Liên dài 64,95 km) hiện là một trong 5 cao tốc bí bách nhất nước do chỉ có 2 làn xe với mặt cắt ngang 12 m.

Mãn tải sớm

Mặc dù không phải là đơn vị chủ đầu tư khi chỉ sắm vai là địa phương có tuyến đường đi qua, nhưng trong Công văn số 2854/UBND-GT gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào đầu tuần này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra một loạt kiến nghị chi tiết, có tính thực tiễn cao liên quan phương án đầu tư, nâng cấp tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Hoà Liên.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị tiếp tục đầu tư giai đoạn II toàn bộ tuyến cao tốc Cam Lộ - Hoà Liên đạt tiêu chuẩn 4 làn xe; đồng thời xây dựng hoàn chỉnh 4 nút giao liên thông; bổ sung thêm 1 nút giao liên thông tại Tỉnh lộ 15- Km95+600 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, điểm kết nối kiến nghị bổ sung là điểm kết nối trực tiếp đến Khu công nghiệp Phú Bài và Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, kết hợp mở rộng, kéo dài đường gom dọc cao tốc kết nối từ Tỉnh lộ 15, tuyến tránh phía Tây TP. Huế đến nút giao liên thông với Tỉnh lộ 14B, tạo điều kiện vận tải hành khách, hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi, giảm tải cho Quốc lộ 1.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh các đoạn tuyến có bán kính đường cong nằm nhỏ, góc chuyển hướng lớn, độ dốc dọc lớn, khuất tầm nhìn, đảm bảo theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc để các xe có tải trọng lớn, các xe container tham gia giao thông, đảm bảo lưu thông thuận lợi trên tuyến, nâng cao năng lực thông hành và an toàn giao thông.

“Các cơ quan chức năng cũng cần sớm lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các điểm lên xuống cao tốc, các trạm phát sóng viễn thông, hệ thống camera, giao thông thông minh (ITS) để giám sát, xử lý, quản lý thuận lợi, an toàn, hiệu quả hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất.

Cần phải nói thêm, theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc phân đoạn Cam Lộ - Hòa Liên được quy hoạch 6 làn xe; tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dài 98,35 km, được đưa vào sử dụng từ ngày 31/12/2022; tuyến cao tốc La Sơn - Hoà Liên, dài 64,95 km, được đưa vào khai thác từ tháng 4/2022.

Đây là một trong 5 tuyến cao tốc trên cả nước hiện có 2 làn xe, chiều rộng mặt đường 11 m, chiều rộng nền đường 12 m, chỉ bố trí các đoạn vượt đạt tiêu chuẩn 4 làn xe chiều rộng mặt đường 21,5 m, chiều rộng nền đường 23 m.

Theo kết quả tính toán năng lực thông hành, đoạn La Sơn - Hoà Liên với quy mô 2 làn xe hiện hữu chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2028; từ năm 2028 trở đi phải nâng cấp lên quy mô 4 làn xe.

Bên cạnh đó, do không thu phí, nên phần lớn các xe tải nặng và xe container xuyên Việt đã bỏ Quốc lộ 1 để dồn vào tuyến cao tốc Cam Lộ - Hoà Liên, khiến lưu thông trên tuyến cao tốc này đang rất bí bách, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

“Việc đầu tư mở rộng đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Hoà Liên (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) theo quy mô 4 làn xe đang rất cấp thiết để sớm đồng bộ hệ thống cao tốc Bắc - Nam qua miền Trung, nâng cao năng lực vận hành khai thác, đảm bảo an toàn giao thông”, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá.

Ưu tiên đầu tư trước 4 làn

Theo thông tin của Báo Đầu tư, đến cuối tháng 3/2024, Bộ GTVT đã nhận được kết quả thẩm định dự án và thẩm định nguồn vốn cho việc “nâng đời” cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn cao tốc La Sơn - Hoà Liên từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi do Bộ GTVT lập với tổng mức đầu tư khoảng 3.011 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước.

Tại Báo cáo số 2155/BC-BKHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn La Sơn - Hoà Liên có nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phù hợp với Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh Kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, Bộ GTVT cần rà soát tiến độ thực hiện Dự án, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (năm 2023: 1,173 tỷ đồng; năm 2024: 1.200 tỷ đồng; năm 2024: 1.809,8 tỷ đồng).

Trước đó, Bộ GTVT kiến nghị phương án đầu tư nâng cấp đoạn La Sơn - Hoà Liên theo hướng giữ nguyên cấp đường cao tốc hiện nay, mở rộng mặt đường, các công trình trên tuyến đảm bảo quy mô 4 làn xe, thay vì đầu tư theo quy mô quy hoạch.

“Dự báo đến năm 2040, lưu lượng xe trên tuyến La Sơn - Hoà Liên vào khoảng 30.073 xe quy đổi/ngày đêm và năm 2050 vào khoảng 44.037 xe quy đổi/ngày đêm, nên tuyến được mở rộng quy mô 4 làn xe có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2050 (mãn tải)”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT phân tích.

Đối với đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để đầu tư mở rộng đoạn tuyến với quy mô 4 làn xe, tương tự phương án đầu tư mở rộng đoạn La Sơn - Hòa Liên. Ước tính sơ bộ, tổng chi phí để nâng cấp đoạn Cam Lộ - La Sơn lên quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn cần khoảng 6.715 tỷ đồng.

Một điểm thuận lợi lớn cho việc nâng cấp tuyến cao tốc Cam Lộ - Hoà Liên là tuyệt đại bộ phận công địa đã được Bộ GTVT giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe ngay trong giai đoạn phân kỳ. Do vậy, ngay khi dự án được duyệt, bố trí được nguồn vốn, cả 2 dự án nâng đời cao tốc Cam Lộ - La Sơn; La Sơn - Hoà Liên chỉ mất tối đa 2 năm thi công.

“Chúng tôi đang báo cáo cấp có thẩm quyền phương án đầu tư mở rộng đoạn Cam Lộ - La Sơn bằng nguồn vượt thu năm 2023; đồng thời, dự kiến đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2025 - 2030 để sớm đầu tư mở rộng đoạn tuyến nhằm khai thác đồng bộ, bảo đảm hiệu quả và lâu dài”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Tin liên quan
Tin khác