Nút thắt xuất hiện từ rất sớm. Từ thời Chu, người xưa rất thích đeo ngọc bên người, bởi vậy thường tết những nút thắt thật đẹp để trang trí. Mà đến thời Chiến Quốc, người ta cũng khai quật được những món đồ đồng có khắc hình nút thắt bên trên. Cho đến tận thời Thanh, nút thắt đã thực sự trở thành một thứ nghệ thuật dân gian.
Nút thắt ứng dụng rất sâu rộng trong đời sống con người, hoặc trong các hoạt động lễ nghi. Nút thắt để làm nút buộc quần áo. Nút thắt để buộc, treo những phụ kiện, dụng cụ sinh hoạt, như gương, ngọc bội, túi thơm, quạt giấy… Ngày Tết, khi mừng tuổi cho trẻ nhỏ cũng dùng sợi dây đỏ xâu chuỗi đồng tiền, thắt nút. Hoặc ngày đầy tháng trẻ nhỏ, người ta dùng những sợi tơ ngũ sắc, tết thành nút và tặng cho em bé với lời chúc em bé mạnh khỏe, chóng lớn.
Nút thắt có rất nhiều loại cùng rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thông thường, người ta hay gọi là đồng tâm kết, bình an kết hoặc cát tường kết. Từ cái tên đã có thể thấy được ý nghĩa tinh thần của nó. Nút thắt thường được dùng sợi dây dài màu đỏ thắm để tết, bởi trong quan niệm của người Á Đông, màu đỏ vốn tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành.
Bản thân từ “nút thắt” (kết) đã gợi lên những điềm lành. Bất kể là “kết giao”, “kết duyên”, “đoàn kết”, “kết quả” hay “kết tóc se duyên”, chữ “kết” đều tượng trưng những tình cảm thân mật, ấm áp, gợi lên hình ảnh đoàn viên, quây quần, sum họp, đầm ấm. Chữ “kết” gần âm với chữ “cát”, phúc, lộc, thọ, hỉ, tài, an, khang, tất cả đều thuộc về “cát”. Đó là những gì mà con người từ xưa đến nay vẫn luôn truy cầu, mong ước và hy vọng.
Mỗi một nút thắt đều dùng đúng một sợi dây để bện thành từ đầu đến cuối, không chia cắt, đầu đuôi nối liền. Mỗi loại nút thắt lại có tên gọi khác nhau, ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như, nút thắt khuy áo, nút thắt tỳ bà, nút đoàn cẩm, nút bươm bướm, nút thập tự, nút cát tường, nút bàn trường, nút như ý, nút cá chép… Ngày nay, nhiều nghệ nhân tài ba khéo léo đã kết hợp nhiều loại nút thắt vào với nhau, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật hết sức tinh xảo và đặc sắc, thậm chí mỗi tác phẩm còn có thể mang một chủ đề nào đó, như “May mắn có thừa”, “Phúc Thọ song toàn”, “Song hỷ lâm môn”, “Cát tường như ý”, “Thuận buồm xuôi gió”… Tất cả đều là những lời chúc tốt lành đầy thành ý.
Chất liệu để bện nút thắt có rất nhiều loại, như tơ, lụa, vải, nilon, dệt pha… vân vân. Nhưng quan trọng nhất, sợi dây để tết cần có độ cứng vừa phải. Nếu dây quá cứng, lúc tết dây sẽ rất bất tiện, hơn nữa nút thắt cũng dễ lỏng lẻo. Nếu dây quá mềm, nút thắt không đủ vững chắc, hình dáng nút thắt sẽ không đẹp. Ngoài ra, việc phối màu nút thắt cũng tùy thuộc vào mục đích sử dụng của nút thắt đó nữa.
Có lẽ, do đặc điểm các nút thắt thường được tết từ một sợi dây dài, đầu đuôi nối liền, quấn quýt, liên kết chặt chẽ với nhau, nên nút thắt thường mang ý nghĩa về tình cảm đôi lứa, “kết tóc se duyên”, “vĩnh kết đồng tâm”. Do vậy, nhiều loại nút thắt thường còn được gọi bằng cái tên “đồng tâm kết”. Đặc biệt, nút thắt bàn trường là loại nút thắt phổ biến nhất, loại nút thắt này vốn mang ý nghĩa “nương tựa vào nhau, quấn quýt không rời, sống lâu trăm tuổi”, bởi vậy loại nút thắt này cũng rất được những đôi lứa ưa chuộng mỗi khi dành cho nhau những lời hẹn thề.
Trên tấm thiệp cưới, trang trí một “đồng tâm kết”, tượng trưng cho lời chúc đôi vợ chồng sẽ hạnh phúc bên nhau trọn đời, vĩnh viễn không chia cách. Trên miếng ngọc bội đeo bên người trang trí một nút thắt như ý, có ý nghĩa vạn sự như ý, vừa lòng đẹp ý.
Bản thân nút thắt đã là biểu tượng của điềm lành. Theo góc độ phong thủy, có thể treo nút thắt trong nhà, tốt nhất là treo ở mặt tường chính của phòng khách hoặc hành lang. Muốn tình yêu vững bền, có thể treo nút thắt trên đầu giường trong phòng ngủ. Muốn thăng tiến trong sự nghiệp hoặc học hành, có thể treo nút thắt gần bàn học, giá sách hoặc nơi học tập, làm việc. Phòng bếp, phòng vệ sinh hoặc nhà kho là những nơi tương đối không sạch sẽ, không nên treo nút thắt ở đó.