Hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới". |
Chúng ta đều biết, không bao giờ có 2 công ty có cùng 1 bản sắc, giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ..., song không thể sao chép những giá tri văn hóa hóa, tinh thần.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bắt đầu bài phát biểu dẫn đề tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” sáng 11/10, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.
Sự kiện diễn ra trong bối cạnh đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2022, nhưng cũng có nhiều thông tin không vui, khi thêm doanh nhân vi phạm pháp luật lộ sáng.
Trước đó, trong bài phát biểu chào mừng, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã nhắc đến thực trạng đáng buồn này, khi đề cập đến một số vụ án liên quan đến các doanh nhân có tiếng tăm, nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia.
"Do vậy, VCCI xác định, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp, đồng thời đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới", ông Công nói.
Nhưng, ông Thắng cũng nhấn mạnh, trong hội nghị này, ông muốn chia sẻ một thông điệp. Đó là: Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Tham gia Hội thảo khoa học này có khoảng 300 doanh nhân, có mặt tại hội trường cũng như qua 9 đầu cầu trực tuyến. Thông điệp này đã ngay lập tức đến với các doanh nhân.
Thực tế này đã được chứng minh. Sau hơn 35 năm đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2021 đã gấp 14 lần quy mô GDP đã tăng gấp 26 lần so với những năm đầu đổi mới.
Có được kết quả đó, ông Thắng khẳng định, là do chúng ta đã khơi dậy được tinh thần và khát vọng phát triển của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt có sự nỗ lực, đóng góp hết sức to lớn của hàng triệu doanh nghiệp và doanh nhân trong cả nước.
Đáng nói là trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thi trường, từ tâm lý thụ động, trông chờ vào Nhà nước, các tầng lớp nhân dân đã chuyển sang ý thức chủ động, tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Từ tâm lý không thích người giàu, phủ nhận sự phân hóa giàu - nghèo, chúng ta đã khuyến khích mọi người dân làm giàu hợp pháp, coi việc một bộ phần dân cứ giàu lên trước là sự phát triển cần thiết.
Từ chỗ kiềm chế, thậm chí có ý kiến cực đoan muốn xóa bỏ khu vực tư nhân, chúng ta đã coi đây là lực lượng quan trọng của nền kinh tế. Từ chỗ xa lánh, xem nhẹ, xã hội ngày càng tôn vinh đội ngũ doanh nhân trên thương trường, có hẳn ngày doanh nhân Việt Nam.
Nhưng, điều ông Thắng muốn nhấn mạnh, xã hội ngày càng tôn vinh thì xã hội ngày càng kỳ vọng nhiều hơn về những phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.
Bởi vậy, khi nói đến khát vọng làm giàu, ông Thắng chia sẻ, là mong muốn tầng lớp doanh nhân lựa chọn con đường phát triển phồn vinh, thịnh vượng dựa trên nền tảng của việc thực hành đạo dức doanh nhân và những chuẩn mực của văn hóa kinh doanh.
Liêm chính và trách nhiệm xã hội là những phép thử đầu tiên về sự cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong hoạt động kinh doanh, liêm chính là tấm hộ chiếu thông hành để doanh nhân chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ. Sự liêm chính của doanh nhân thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, minh bạch các thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp của mình và luôn nói không với tiêu cực, tham nhũng.
Theo đuổi lợi nhuận là mong muốn chính đáng của mọi doanh nghiệp, doanh nhân. Nhà nước, xã hội cần nhận thức rõ ràng, tôn trọng. Tuy nhiên, ông Thắng nói, không vì thế mà doanh nhân bất chấp các chuẩn mực văn hóa, đạo đức mà chạy theo lợi ích ích kỷ trước mắt, mà không cân nhắc lợi ích, sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng.