Y tế - Sức khỏe
Liên kết, nâng giá trị của cây thuốc Nam
D.Ngân - 24/03/2022 18:14
Quay trở về sử dụng thuốc Nam đang là xu thế được nhiều người dân chọn lựa. Tuy vậy, việc phát triển nhằm nâng giá trị cây thuốc Nam hiện còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tiềm năm lớn

Ngày 24/3, Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc Nam” tổ chức Hội thảo Ngày hội sáng tạo về giá trị cây thuốc Nam với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp.

Quay trở về sử dụng thuốc Nam đang là xu thế được nhiều người dân chọn lựa.

Những năm gần đây, việc sử dụng các thuốc có nguồn gốc tổng hợp hóa dược gặp nhiều bất cập và tác dụng phụ, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh. 

Vì vậy, xu hướng sử dụng các thuốc có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên ngày càng nhiều, không chỉ ở các nước Á Đông, mà còn ở các nước phương Tây.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số nông thôn và các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc thống kê trong các đơn đều có chứa hoạt chất thảo mộc. 

Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu.

Với một thị trường tiêu thụ nhiều như vậy, dược liệu nói chung và cây thuốc nói riêng đã mang lại giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào. 

Cụ thể, trong số những lượng đã tiêu thụ, có trên 2/3 khối lượng dược liệu được khai thác từ nguồn gốc cây thuốc mọc tự nhiên và trồng trọt trong nước. Riêng từ nguồn cây thuốc tự nhiên đã cung cấp tới 20.000 - 25.000 tấn mỗi năm. 

Khối lượng này trên thực tế mới chỉ bao gồm khoảng 300 loài được khai thác và đưa vào thương mại có tính phổ biến. Bên cạnh đó, có thể vẫn còn nhiều loài dược liệu khác được thu hái sử dụng tại chỗ nhưng chưa có con số thống kê cụ thể.

Ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế rất được các nhà khoa học quan tâm. 

Nhiều dược liệu đã được sử dụng để tách chiết các hoạt chất làm thuốc trong đó có nhiều loại hoạt chất quan trọng như quinin, morphin, strychnin… đều phải chiết ra từ dược liệu mà chưa thể đi bằng con đường tổng hợp hóa học.

Dược liệu còn mở đường cho ngành hóa dược phát triển. Ví dụ, dựa vào cấu trúc hóa học của ephedrin - hoạt chất được chiết xuất từ cây ma hoàng, người ta có thể xây dựng quy trình tổng hợp nên ephedrin bằng phương pháp tổng hợp hóa dược với chi phí và thời gian ít hơn. 

Hay từ cấu trúc của quinin trong canh ki na, artemisinin trong thanh cao hoa vàng, người ta cũng bán tổng hợp ra nhiều loại thuốc sốt rét khác có hiệu lực mạnh hơn. Tuy nhiên, số lượng cây thuốc để chiết xuất hoạt chất làm thuốc tại Việt Nam còn ở mức khiêm tốn (mới chỉ trong khoảng 50 loài).

Từ thực tế trên cho thấy, số loài cây thuốc được sử dụng để phục vụ cộng đồng cũng như để phân lập các chất còn rất hạn chế so với tổng số cây thuốc đã được phát hiện.

Với nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, cùng với vốn kinh nghiệm chữa bệnh của cộng đồng, các dân tộc người Việt chính là tiềm năng to lớn để nghiên cứu, chiết xuất các hoạt chất và tạo ra những loại thuốc mới từ dược liệu có hiệu lực chữa bệnh cao.

Do vậy, Nhà nước đang có những giải pháp nỗ lực hơn nữa để phát huy thế mạnh dược liệu, đẩy mạnh ngành công nghiệp dược trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn và miền núi, đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, tạo nên hình ảnh Việt Nam - một cường quốc về dược liệu, khỏe mạnh, giàu có.

Là một dự án hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, TS.Bác sĩ.Thầy thuốc nhân dân Đào Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YEN BAI CDSH) cho hay, nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ cây thuốc nam, YEN BAI CDSH đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân trồng và phát triển các loại cây thuốc Nam. 

Cụ thể, hỗ trợ 300 người dân trồng cây cà gai leo, loại cây thuốc có tác dụng trong điều trị các bệnh về gan được trồng tại các xã: Cảm Ân, Bảo Ái, huyện Yên Bình; xã Đông Cuông, Mậu Đông, huyện Văn Yên với trên 300 hộ tham gia. 

Cây cà gai leo đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ, năng suất đạt 3,5 tấn cây khô/ha/vụ. 

Với giá bán hiện tại 30.000 đồng/kg, trung bình thu 150 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 3 lần trồng ngô, sắn trên cùng một đơn vị diện tích. 

Với mục tiêu hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị cây thuốc nam, bảo tồn nguồn cây thuốc bản địa, tạo sinh kế bền vững cho người dân trồng thảo dược, YEN BAI CDSH tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho nhóm sở thích trồng cây khôi nhung (cây thuốc điều trị bệnh đau dạ dày) tại xã Xuân Long, huyện Yên Bình và hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã.

Cùng đó, tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, các chuyên gia cũng đã tư vấn hỗ trợ thành lập nhóm trồng cây thuốc Nam và cung ứng 10.000 cây lá gan cho các thành viên tham gia nhóm. 

Theo TS. Đào Ngọc Lan, để khẳng định rõ hiệu quả Dự án, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại kết nối đầu ra cho sản phẩm cây thuốc Nam. Hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu chủ lực của từng vùng, từng địa phương, gắn phát triển cây dược liệu với phát triển kinh tế - xã hội.  

Đầu ra nào cho sản phẩm thuốc Nam?

Thuốc Nam dù mang lại giá trị lớn, song hiện nay đầu ra của sản phẩm này vẫn còn là vấn đề cần bàn. Theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Tổng giám đốc Tập đoàn DVH, muốn có đầu ra cho sản phẩm các doanh nghiệp cần phải xác định rõ đối tượng sử dụng sản phẩm để thực hiện nghiên cứu sản xuất sản phẩm đúng theo nhu cầu của người sử dụng theo độ tuổi, giới tính, bệnh lý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ thị trường đang ưu chuộng dòng sản phẩm nào thiết thực nhất, theo từng thời điểm, giai đoạn hoặc xác định một đối tượng sản phẩm có độ ổn định cao, dòng đời sản phẩm dài. 

Thương hiệu của nguyên liệu cũng quyết định một phần rất lớn cho sự thành công của sản phẩm và có chìa khóa chính để truyền thông và tổ chức bán hàng tốt nhất.

Một yếu tố nữa là giá thành sản phẩm cũng phải phù hợp cho đối tượng, đặc biệt sản phẩm phải phân định rõ sản phẩm hướng tới đối tượng nào, khách hàng cao cấp, hay trung hay phổ thông.

Ngoài ra, sự khác biệt của sản phẩm về thương hiệu, mẫu mã, chất lượng, giá thành hay tính thời sự sẽ quyết định rất lớn đến việc một sản phẩm thành công, chiếm thị phần cao. 

Nhấn mạnh về sức mạnh của việc liên kết trong sản xuất các cây thuốc Nam, ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành cho rằng, trong thời đại công nghệ số hiện nay việc liên kết để phát triển là rất cần thiết và Liên minh trà đặc sản hữu cơ Việt Nam (VOSTEA) ra đời là để hiện thực hóa mục tiêu ấy.

Theo ông Ngữ, thế giới sản xuất và tiêu thụ 5,5 triệu tấn trà khô/năm trong đó khoảng 30.000 tấn là lá trà rừng - hữu cơ. Việt Nam có khoảng 3.000 tấn/năm - chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc. 

Do vậy, mục tiêu mà VOSTEA đặt ra là xây dựng vùng thảo dược hữu cơ trong vùng đất trồng trà rừng hữu cơ; xây dựng vườn thuốc Nam tại từng gia đình dần thay đổi thói quen sử dụng thuốc của người dân.

Tuy vậy, theo ông Ngữ, đầu tư cho sản xuất hữu cơ là dài hạn với chu kỳ khoảng 10 năm trở lên. Để làm hữu cơ thì vai trò của đơn vị, tổ chức chứng nhận là rất quan trọng, điều này đảm bảo chứng minh nguồn gốc sản phẩm làm ra. 

Lãnh đạo của Hiệp Thành cho rằng, các cơ quan quản lý nên thúc đẩy các chính sách và cụ thể hóa các tiêu chuẩn cũng như cần có những chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ. 

"Hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào chứng nhận tiêu chuẩn Liên đoàn Hữu cơ quốc tế, mặc dù tiêu chuẩn này hoàn toàn có thể xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao, nhưng ngược lại, chưa nhiều người tiêu dùng trong nước nắm bắt được tiêu chuẩn này", ông Ngữ nêu.

Tin liên quan
Tin khác