Liên kết từ hạ tầng
Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư miền Trung, nhiều người đặt câu hỏi, đâu là nút thắt lớn nhất đối với thu hút đầu tư, phát triển kinh tế các địa phương miền Trung - Tây Nguyên? Tại sao với lợi thế và tiềm năng phát triển đủ lớn kết hợp với sự quan tâm tối đa của Nhà nước, nhưng khu vực này vẫn là “vũng trũng” của cả nước khi xét về các chỉ số kinh tế?
Các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận, cái thiếu lớn nhất của miền Trung là sự liên kết. Bởi lẽ, các địa phương phần lớn tương đồng về điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển. Chính sự tương đồng này đã khiến nhà đầu tư khó lựa chọn và đôi lúc thấy nhiễu thông tin vì không hình dung được đâu là cái mình cần.
Cảng Quy Nhơn phục vụ không chỉ Bình ĐỊnh, mà cho cả Tây Nguyên rộng lớn. |
Ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tại Đà Nẵng nhìn nhận, tương đồng, nhưng thiếu liên kết thì cuối cùng không có gì đặc biệt cả. Địa phương không tạo nên khác biệt sẽ không đủ sức hút các nhà đầu tư lớn. Chính vì điều đó, miền Trung và Tây Nguyên vẫn chưa có sự bứt phá rõ rệt để phát triển.
Ông Tuấn cũng cho rằng, liên kết không đơn giản là khẩu hiệu, là sự kết nối bằng những tuyến đường, mà liên kết phải được nhìn một cách tổng thể từ hạ tầng cứng (bao gồm giao thông đường bộ, cảng biển, sân bay… đến hạ tầng mềm (các chính sách thiết thực để tạo nên tiếng nói chung).
Ý kiến này cũng đã từng được ông Trịnh Minh Vân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung chia sẻ. Theo ông Vân, cái khó lớn nhất là tạo sự liên kết để tất cả các địa phương vốn có sự tương đồng này ngồi lại với nhau để sàng lọc những cái chung nhất nhằm tạo thương hiệu vùng. Tất nhiên, trong cái chung ấy, mỗi địa phương lại có thế mạnh riêng của mình và bám vào cái đặc biệt đó để tạo lợi thế cạnh tranh trong xúc tiến đầu tư.
Vậy đâu là nút thắt lớn nhất với khu vực? Đầu tiên là sự liên kết trong quy hoạch. Nếu các địa phương ngồi lại để cùng xây dựng một bản quy hoạch mang tính tổng thể hơn dựa trên yếu tố chung và riêng, thì tất nhiên, quy hoạch không chỉ dựa trên điều kiện hiện có, mà còn dựa trên một hệ thống hạ tầng tương xứng. Nếu xét về du lịch thì Đà Nẵng có thể quy hoạch cảng du lịch và cả sân bay du lịch. Nhưng nếu xét về yếu tố công nghiệp, thì Sân bay Chu Lai và Cảng Dung Quất có thể đáp ứng vấn đề này… Điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt và giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận thông tin hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đào Tấn Lộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Phó trưởng ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung chia sẻ, các địa phương đều nhìn thấy rõ nút thắt đối với sự liên kết thông qua hạ tầng cứng và mềm, nhưng vấn đề đặt ra là, ai sẽ là đầu tàu để xây dựng cơ chế cho liên kết?
Từng bước tháo nút thắt
Dải đất miền Trung tuy hẹp, nhưng dài. Để xích lại gần nhau về cơ học, chỉ có thể đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ và quy hoạch những tuyến tạo sự liên kết. Dù tổng thể chưa cụ thể hóa sự liên kết này, nhưng các địa phương giáp ranh đã từng bước đầu tư nâng cấp các tuyến hạ tầng nhằm mục đích khai thác lợi thế chung.
Chẳng hạn, Đà Nẵng và Quảng Nam đã hình thành ý tưởng liên kết bằng hạ tầng cứng nhằm phát huy lợi thế của mỗi địa phương. Điển hình nhất là tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc và hiện tại kết nối với cả Khu kinh tế mở Chu Lai qua tuyến đường ven biển nối với cầu Cửa Đại. Chiến lược này dựa trên ý tưởng biến dải đất ven biển này thành chuỗi đô thị ven biển.
Tiến vào Nam Trung Bộ, chính quyền tỉnh Bình Định cũng đã nhìn ra sự liên kết cùng phát triển du lịch cũng như công nghiệp giữa TP. Quy Nhơn và Sông Cầu (Phú Yên), nên đã mạnh dạn đầu tư tuyến đường ven biển kết nối Quy Nhơn - Sông Cầu. Khi tuyến đường đưa vào khai thác, vệt du lịch từ TP. Quy Nhơn qua Ghềnh Ráng và đến Sông Cầu đã hình thành và thu hút đầu tư khá tốt.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng không đứng ngoài cuộc, khi lợi thế của họ là các mặt hàng nông - lâm sản và cánh cửa thu hút đầu tư các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực này tùy thuộc vào cửa ngõ phía Đông, nơi có những cảng biển có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Tầm nhìn đó đã đốc thúc các địa phương kiến nghị Trung ương nhanh chóng đầu tư các tuyến quốc lộ ngang như Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, Quốc lộ 14… để đưa Tây Nguyên gần với đồng bằng.
Có thể nói, ý tưởng cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên là không thiếu, nhưng việc hiện thực hóa đang chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Tư tưởng cứng nhắc vẫn phần nào khiến mỗi địa phương miền Trung hoặc Tây Nguyên bị tách biệt. Nhưng khó khăn nhất và cũng là điều quan trọng nhất, thiết thực nhất hiện nay là vốn đầu tư. Miền Trung đang rất cần cú huých đủ mạnh về vốn từ các nguồn xã hội vào lĩnh vực hạ tầng, trong đó chủ yếu là sân bay, cảng biển và giao thông đường bộ…