Trong 6 tháng đầu năm, một cơ sở y tế tại TP.HCM tiếp nhận gần 800 người bệnh sỏi túi mật, trong đó tỷ lệ biến chứng do sỏi mật gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. 38% trong số này bị biến chứng viêm túi mật cấp.
Ảnh minh họa. |
Các bác sỹ lý giải tỷ lệ viêm túi mật cấp tăng do người bệnh có nguy cơ viêm túi mật cấp nhưng từ chối mổ để uống thuốc tan sỏi, sợ cắt túi mật ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một số người mắc nhiều bệnh như tim mạch, hô hấp, tiểu đường, đang dùng thuốc chống tập tiểu cầu, dùng thuốc kháng đông… không thể phẫu thuật. Người bệnh không được bác sỹ khám trước đó tư vấn mổ sớm, bệnh để lâu cũng gây biến chứng.
Sỏi túi mật khá phổ biến, có xu hướng diễn tiến âm thầm khó phát hiện sớm. Bệnh nhân thường khám muộn, nhiều trường hợp dù đã phát hiện sỏi nhưng không điều trị dứt điểm dẫn đến viêm túi mật cấp, viêm đường mật, sốc nhiễm trùng, viêm tụy cấp, viêm tụy hoại tử…
Như bà Hồng, 62 tuổi, TP.HCM nhập viện cấp cứu do đau bụng, sốt lạnh run. Trước đó một năm, bà từng điều trị bệnh viêm tụy hoại tử khoảng hai tháng tại một bệnh viện nhưng chưa được chỉ định cắt túi mật sau đó.
Bà Hồng không được điều trị dứt điểm khi bị viêm tụy hoại tử do sỏi túi mật trước đó, dẫn đến biến chứng sỏi ở túi mật rớt vào ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật.
Viêm mạn tính túi mật do sỏi và viêm tụy cùng lúc gây dính nhiều, bác sỹ khó nhận định cấu trúc, nguy cơ cao tai biến khi mổ như chảy máu, tổn thương đường mật.
Thông thường, những trường hợp này được nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để lấy sỏi ở ống mật chủ, đồng thời cắt túi mật nội soi.
Tuy nhiên, trường hợp bà Hồng, do khối hoại tử thành hóa ở vùng đầu tụy đè hẹp, biến dạng tá tràng, không thể tiếp cận để kéo sỏi ống mật chủ qua nội soi mật tụy. Bà được phẫu thuật nội soi cắt túi mật, đồng thời xẻ ống mật chủ để lấy hai viên sỏi ở ống mật chủ.
Sau phẫu thuật, bà hết đau bụng. Tái khám sau 10 ngày, ống mật chủ sạch sỏi, sức khỏe hồi phục tốt.
Tương tự, ông Thuận, 64 tuổi, TP.HCM được đưa đến viện do sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ, đau bụng dữ dội ở vùng hạ sườn phải và thượng vị (trên rốn). Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số bạch cầu tăng hơn 18.000 (bình thường 4.000-10.000/mm3 máu).
Bác sỹ chẩn đoán ông Thuận bị nhiễm trùng huyết do viêm phúc mạc mật xảy ra do viêm túi mật hoại tử - một biến chứng của sỏi túi mật. Người bệnh cần phẫu thuật nội soi cắt túi mật cấp cứu, ngăn bệnh diễn tiến xấu.
TS.Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm TP.HCM đánh giá, túi mật ông Thuận bị hoại tử nên quá trình mổ có thể xảy ra biến chứng như chảy máu, tổn thương đường mật.
Người bệnh có tiền căn nhồi máu não, huyết áp cao, rung nhĩ đáp ứng thất nhanh, đái tháo đường type 2 nên có nguy cơ cao biến chứng suy hô hấp, tai biến mạch máu não trong và sau mổ.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ ghi nhận có dịch đục và ít giả mạc quanh túi mật, thành túi mật hoại tử vùng đáy, sau khi cắt túi mật lấy ra hai viên sỏi kích thước 0,5 cm. Một ngày sau mổ, ông Thuận không còn triệu chứng đau bụng, sốt, xuất viện sau 5 ngày.
Chỉ định phẫu thuật: Sỏi có triệu chứng đau bất kỳ kích thước (dưới 0,6 cm có nguy cơ cao gây tắc nghẽn ống túi mật dẫn đến viêm túi mật cấp, viêm tụy do rớt xuống đường mật chính). Sỏi trên 2 cm, lâu ngày làm tăng nguy cơ biến chứng như chèn ép đường mật chính gây tắc mật.
Sỏi giai đoạn sớm thường được điều trị bằng thuốc, khi sỏi biểu hiện triệu chứng cần phẫu thuật cắt túi mật.
Phương pháp điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Chỉ định cắt túi mật là cả một nghệ thuật để bệnh nhân không bị cắt túi mật vô lý do những bệnh lý có biểu hiện tương tự, cũng không ôm bệnh uống thuốc tan sỏi không hiệu quả cho đến khi bệnh nặng.
Sỏi túi mật dễ dàng phát hiện qua siêu âm bụng với độ chính xác cao. Người bệnh cần chủ động khám sức khỏe định kỳ. Người có triệu chứng viêm túi mật như đau hạ sườn phải, sốt cao, ớn lạnh… nên đi khám ngay.