Thời sự
Linh hoạt ứng phó với biến đổi khí hậu
D.Ngân - 21/12/2024 12:50
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu bật kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra các hạn chế cần khắc phục, đặc biệt trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ngày 21/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành.

Mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm "tăng tốc, bứt phá", tạo nền tảng cho năm 2025, nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều yếu tố bất định như cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang và bất ổn chính trị.

Tăng trưởng toàn cầu phục hồi chậm, các thách thức an ninh phi truyền thống ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của nhiều quốc gia và khu vực.

Ở trong nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cơ bản ổn định, tăng trưởng ở mức cao, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, đời sống của Nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai và bão lũ.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên.

Những kết quả nổi bật trong năm 2024 của ngành này bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước.

Xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý, khai thác tài nguyên hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có chuyển biến tích cực, với các giải pháp chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế các-bon thấp.

Công tác dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai được chủ động và nâng cao chất lượng. Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, như việc một số chính sách và văn bản pháp luật chưa được cập nhật kịp thời, hiệu quả quản lý chưa đồng đều giữa các địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực sông, cụm công nghiệp và đô thị vẫn chưa được khắc phục triệt để. Việc chuyển đổi số trong ngành cũng chưa đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, ngành này sẽ tập trung vào những mục tiêu sau: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bao quát toàn diện các lĩnh vực của ngành, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.

Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn và hoạt động hiệu quả, theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương.

Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững, với chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm.

Ứng phó với biến đổi khí hậu linh hoạt và chủ động hơn, huy động nguồn lực kịp thời. Dự báo và cảnh báo khí tượng chính xác, đặc biệt là với các hiện tượng thời tiết cực đoan, để chủ động phòng chống.

Các chỉ tiêu cụ thể trong năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường bao gồm: Kiện toàn tổ chức bộ máy theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ, đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với hệ thống thông tin đất đai, theo mục tiêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW vào năm 2025.

Cải thiện các chỉ số môi trường: 92% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn; 30-40% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.

Hoàn thành 80% diện tích lập bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:50.000; điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản ở các khu vực Tây Bắc và Trung Trung Bộ.

Cắm mốc bảo vệ nguồn nước cho 90-100% hồ chứa lớn, quan trọng; xây dựng kịch bản nguồn nước cho 8 lưu vực sông vào đầu năm 2025.

Tự động hóa 65% trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại, kết nối với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Giám sát thiên tai: Đảm bảo 100% các thiên tai, bão, lũ được dự báo và cảnh báo kịp thời.

Điều tra tài nguyên biển: Đạt 39% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển tỷ lệ bản đồ 1:500.000.

Ngành Tài nguyên và Môi trường cũng cam kết bảo đảm 100% các trạm định vị vệ tinh quốc gia hoạt động liên tục, góp phần nâng cao năng lực quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường và khí tượng thủy văn trong toàn quốc.

Tin liên quan
Tin khác